Dự thảo này được xây dựng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 7 năm triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo luật có nhiều điểm mới. Đó là chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng mặc dù là nội dung mới nhưng đã được đề cập cụ thể và bao quát loại tài sản quan trọng và có giá trị lớn này.
Những quy định pháp lý về quản lý sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quyền khai thác có tác động tích cực tới quản lý nhóm công trình này được hình thành ngày càng nhiều từ các dự án BOT hay PPP trong những năm tới.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, các quy định về BOT hay PPP đều do các văn bản dưới luật thể hiện nên không xác định rõ quyền và trách nhiệm liên quan đến các công trình hình thành từ dự án BOT thuộc về ai; không rõ đơn vị quản lý tính xác thực hợp pháp của tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư BOT. Hiện nay, hầu hết các BOT chủ yếu do cơ quan chủ quản phê duyệt và người đề xuất là nhà đầu tư.
Trong khi đó, vì lợi ích, các nhà đầu tư thường kê khai vốn cao; cơ quan quản lý thì miễn là có công trình mà không quan tâm đến chuyện tổng mức đầu tư đã đúng với thực tế chưa.
“Vấn đề trên cũng gắn với câu chuyện mức thu phí để hoàn vốn BOT. Mức phí này hiện đang được thực hiện dựa trên Thông tư 159 về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư vây dựng đường bộ của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc quản lý theo khung này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, không kiểm soát được lưu lượng xe thực tế qua các trạm thu phí BOT mà chỉ dựa vào báo cáo của các nhà đầu tư. Do đó, nếu không nhanh chóng đưa “kết cấu hạ tầng” vào tài sản công để có sự quản lý thì sẽ tiếp tục gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước và người sử dụng các dự án BOT. Thậm chí, trong thời gian tới, việc đầu tư theo hình thức BOT và PPP có thể khó thực hiện được”, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh phân tích.
Không chỉ có vấn đề quản lý kết cầu hạ tầng, nhiều tài sản công khác đang bị sử dụng rất lãng phí. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, các số liệu ghi chép cho thấy phần tài sản công của Việt Nam bao gồm: đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc có giá trị trên 500 triệu đồng hiện có tổng giá trị trên 1.050 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, phần tài sản này có giá trị cao gấp 4 lần GDP của Việt Nam, đồng nghĩa là tổng tài sản công lên đến khoảng 18.000 - 19.000 tỷ đồng. Như vậy, việc quản lý tài sản công đang bị mai một, buông lỏng, dẫn đến tình trạng thất thoát rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Yến, Đại biểu Quốc hội ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho rằng nhiều tài sản đất đai có giá hiện đang được giao cho một số tổ chức chính trị sự nghiệp, đoàn thể… nhưng lại được các đơn vị này đem cho thuê kinh doanh và Nhà nước chỉ thu được phần thuế đất đai. Điều này gây ra tình trạng lãng phí rất lớn cho Nhà nước, không phát huy được phần tài sản này.
Trước tình hình này, việc ra đời Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) được xem là bước tiến cần thiết trong quản lý tài sản công hiện nay.
Điều này sẽ góp phần khắc phục những nhược điểm hạn chế nổi cộm trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong những năm gần đây như phân tán, thiếu thống nhất, phạm vi quản lý hạn hẹp… dẫn đến việc quản lý tài sản nhà nước còn lỏng lẻo, tùy tiện; tài sản nhà nước bị sử dụng lãng phí, thất thoát và không đúng mục đích, đối tượng.