Hạn chế uống rượu bia để đẩy lùi tai nạn

Dư luận đang nóng với vấn đề kiểm soát việc lạm dụng rượu bia để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). Đa số người dân đồng tình phải tạo dựng văn hóa hạn chế rượu bia mới đẩy lùi được tai nạn.

Hệ lụy khôn lường

Chị Thu Hằng, vợ anh Nguyễn Đức Long, nạn nhân của một vụ TNGT điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), vừa được trả về nhà tại Bắc Ninh cho biết: Nằm viện tốn kém, chị đã xin cho anh Long về nhà điều trị. Anh Long hiện bị di chứng nặng nề, lúc nhớ lúc quên, mất hoàn toàn sức lao động... Dịp Tết Ất Mùi vừa qua, khi anh Long đang đi bộ trên vỉa hè thì bị một người đi xe máy từ phía sau đâm phải, khiến anh bị ngã đập đầu xuống đất, phải đưa đi cấp cứu. Người thanh niên gây tai nạn hôm đó uống rượu say, không làm chủ được tay lái, bị thương nhẹ. Nhưng do có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên họ cũng chỉ bồi thường rất ít cho gia đình chị Hằng. Còn lại chi phí điều trị tốn kém cả trăm triệu đồng, gia đình chị Hằng phải gánh chịu.    

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chia sẻ: Thời gian qua, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện đã dẫn tới những hậu quả vô cùng đau lòng. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chế tài xử lý vi phạm hiện vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên quốc lộ 18. Ảnh: Doãn Tuấn/TTXVN


Ủy ban ATGT Quốc gia đã kiến nghị với Chính phủ cho phép xử phạt tăng nặng các trường hợp vi phạm quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ngoài phạt tiền lên đến hàng chục triệu đồng, người điều khiển sẽ bị tịch thu phương tiện. Đây là động thái cần thiết, đủ sức răn đe các “ma men”. “Quy định này đáng lẽ nên áp dụng từ lâu. Nhiều nước trên thế giới đã áp các mức phạt rất nặng đối với “ma men”. Nhiều ý kiến cho rằng, uống rượu bia đã trở thành nếp văn hóa của nhiều người và cộng đồng, nhưng cần phải thay đổi ngay trước khi quá muộn”, ông Khuất Việt Hùng nhận xét.

Chiến dịch thay đổi hành vi

Ủy ban ATGT Quốc gia đang nhân rộng mô hình kinh doanh ăn uống văn hóa gắn với ATGT trong cộng đồng và yêu cầu đích danh các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia phải tuyên truyền mạnh mẽ chương trình phòng chống tác hại rượu, bia để kéo giảm bền vững TNGT.

Thống kê sau 5 năm thực hiện Chương trình Hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam (2010 - 2014) tại các địa phương do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) thực hiện, đa số người dân ở các địa phương đã được tiếp cận với các chiến dịch truyền thông lớn về phòng chống lạm dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông. Thông qua băng rôn, khẩu hiệu, phát thanh, ký cam kết... nhiều người dân đã tự giác chấp hành. Đặc biệt, nhiều người tham gia giao thông đã dần quen với hình ảnh kiểm tra nồng độ cồn siêu nhanh theo chuẩn quốc tế. Lái xe ô tô chỉ cần hạ kính xuống để thử nhanh, không cần xuống xe, xuất trình giấy tờ rồi mới kiểm tra nồng độ cồn như trước đây.


Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt Nguyễn Hữu Dánh nhận định: Mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế đã mang lại hiệu quả và hiện cần nhân rộng thành chiến dịch trong xã hội. Trước đây, khi CSGT nghi ngờ lái xe sử dụng rượu bia, sẽ ra hiệu lệnh  buộc dừng xe, kiểm tra giấy tờ, gây mất thời gian. Nhưng hiện nay, mô hình này sẽ không gây mất thời gian cho lái xe, không gây cản trở cho người tham gia giao thông…

Còn TS Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho biết: Qua khảo sát, tỷ lệ người dân tiếp nhận truyền thông về vấn đề sử dụng rượu bia đã tăng lên thêm 20 - 30% so với trước đây 5 năm. Hơn 90% người được hỏi đồng thuận với việc CSGT có thể cưỡng chế, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Quan trọng nhất là tỷ lệ người dân tự giác hạn chế sử dụng rượu bia trước khi lái xe tăng thêm 10%. Song, vẫn còn số đông người dân chưa tự giác.

Theo ông Khuất Việt Hùng, hiện nay các nội dung tuyên truyền về hạn chế sử dụng rượu bia vẫn mang tính hình thức, khiến không ít người dân khó hình dung các quy định, chế tài xử phạt và cũng không thể có một mô hình phòng chống lạm dụng rượu bia cứng nhắc, áp dụng cho tất cả các địa phương, vì mỗi nơi có đặc trưng văn hóa, kinh tế, xã hội khác nhau. Do vậy, các thông điệp ATGT gắn với xây dựng văn hóa uống rượu bia cần phải tác động trực tiếp đến tinh thần, vật chất, thu hút càng nhiều sự phản hồi của người dân càng tốt, nhằm tạo ra sự cộng hưởng lớn trong cộng đồng. Các thông điệp như: Lái xe vi phạm lần 1 sẽ bị tước giấy phép lái xe 3 tháng, vi phạm lần 2 thì bị tước giấy phép 6 tháng, tái phạm nhiều lần sẽ bị “treo” bằng vĩnh viễn, không được phép điều khiển phương tiện, truy tố trước pháp luật để răn đe và tịch thu phương tiện người vi phạm nồng độ cồn quá mức cho phép… sẽ được triển khai thành chiến dịch ngay trong quý II/2015 để thay đổi hành vi, xây dựng văn hóa hạn chế rượu bia khi tham gia giao thông.


Tiến Hiếu


Sử dụng rượu bia, tước bằng lái 24 tháng
Sử dụng rượu bia, tước bằng lái 24 tháng

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, người lái xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN