Từ nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sinh sống ven sông Đăk Pne đoạn chảy qua thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đã phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Theo lời kể của các hộ dân, trước đây dòng sông này không bị sạt lở, song do ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 9 năm 2009 và cơn bão số 9 năm 2020, tình trạng sạt lở bắt đầu xảy ra và ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tài sản và tính mạng của người dân.
Ông Nguyễn Thuận, thị trấn Đăk Rve cho biết, ông sinh sống ven sông Đăk Pne từ năm 1980. Sau trận lũ lịch sử do cơn bão số 9 năm 2009, dòng sông Đăk Pne mở rộng, ăn vào đất của ông. Sau đó, khi cơn bão số 9 năm 2020 qua đi, nước sông đã dâng lên, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến căn nhà vợ chồng ông đang sinh sống, cuốn đi khu vực công trình phụ của gia đình. Không chỉ gia đình ông, mà không ít hộ dân khác cũng bị ảnh hưởng.
“Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, cứ mỗi năm nước sông lại cuốn thêm một ít đất. Bây giờ, toàn bộ khu bếp của gia đình tôi đã bị nghiêng về phía sông, tách hẳn với nhà, hiện ra một khoảng nứt lớn. Bây giờ, mỗi khi mưa to, gió lớn vợ chồng tôi lại lo lắng, chỉ sợ nước cuốn cả căn bếp đi. Tôi và các gia đình ở đây chỉ mong chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm có phương án kè bờ sông lại để chống sạt lở”, ông Thuận giãi bày.
Trong khi đó, suối Đăk La dài 7 km là nguồn nước chính cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha canh tác hoa màu tại khu vực xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, bờ suối này đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều vị trí ăn sâu vào khu vực ruộng lúa của người dân. Đặc biệt, tại cầu treo dân sinh thôn 7, xã Đăk La, đất bên bờ suối đã sạt lở nặng, kéo theo một mảng bê tông dưới chân cầu, gây nguy hiểm cho hàng chục hộ dân tại thôn mỗi khi đi qua.
Ông Nguyễn Quang Thịnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk La, huyện Đăk Hà cho biết, do ảnh hưởng của việc suối bị sạt lở, nên một số diện tích trồng lúa nước, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng, thậm chí không thể canh tác được.
Riêng đối với cầu treo thôn 7, nếu không khắc phục kịp thời thì có khả năng sạt lở thêm đến mố cầu và cuốn trôi cầu treo. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân xã và người dân mong muốn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh sớm có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở.
Liên quan đến tình trạng sạt lở của suối Đăk La, hiện UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khắc phục, với tổng kinh phí 9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên tỉnh Kon Tum (đơn vị quản lý, điều hành dự án khắc phục sạt lở suối Đăk La) cho biết, hiện dự án đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
“Ban đã thẩm định dự án xong, đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Sau đó, sẽ trình UBND để phê duyệt quy hoạch đấu thầu. Dự kiến đến tháng 10/2023, Ban Quản lý dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn sẽ tiến hành thi công. Thời gian thi công dự kiến khoảng một tháng tại 4 vị trí sạt lở nghiêm trọng trên suối Đăk La, khắc phục những vị trí này để người dân yên tâm canh tác nông nghiệp”, ông Hoàng Văn Thuận thông tin thêm.
Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh có hàng chục vị trí có nguy cơ sạt lở ven sông suối như sông Đăk Bla đoạn qua thành phố Kon Tum, suối Hnor, suối Đăk Cấm; sông Pô Kô đoạn qua thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, các xã Đăk Ang, Đăk Dục, Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi; sông Đăk Pne, sông Đăk A Kôi huyện Kon Rẫy, sông Đăk Tờ Kan, huyện Đăk Tô; sông Đăk Psi, suối Đăk La, huyện Đăk Hà; suối Đăk Sia huyện Sa Thầy...
Nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do tác động của mưa lũ hàng năm kết hợp với việc lớp thảm phủ thực vật ở các thượng nguồn lưu vực bị suy giảm, tác động của dòng chảy đã gây sạt lờ bờ sông suối; do địa chất hai bên bờ sông của nhiều đoạn sông suối trên địa bàn tỉnh là đất bồi không ổn định, dưới tác động của dòng chảy lũ gây ra sạt lở.
Bên cạnh đó, một phần do các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và các tác động khác đã làm sạt lở bờ sông do mất cân bằng bùn cát trên sông; việc xây dựng các hồ chứa nước ở thượng nguồn các sông đã giữ lại đáng kể lượng bùn cát hàng năm trong các hồ chứa, gây mất cân bằng bùn cát đối với vùng hạ du, làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum thông tin thêm, hiện đơn vị đang hoàn tất các thủ tục để điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông trên địa bàn để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông và đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có phương án chỉnh trị sông Đăk Bla đoạn qua thành phố Kon Tum và sạt lở suối Đăk La, huyện Đăk Hà.
“Về giải pháp, ngành nông nghiệp và các địa phương tiến hành tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; đồng thời, tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở, bố trí đến nơi ở ổn định, an toàn; đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông”, ông Trần Văn Lực nhấn mạnh.