Sông Nậm Mộ là con sông nhỏ bắt nguồn từ Lào chảy về Việt Nam qua thị trấn Mường Xén. Do địa hình dốc, nhiều đồi núi khiến nước sông Nậm Mộ luôn chảy xiết, đặc biệt vào mùa mưa lũ, dòng sông này trở nên hung hãn, là nối khiếp sợ của người dân sinh sống dọc hai bên.
Người dân huyện Kỳ Sơn vẫn nhớ như in trận lũ lịch sử năm 2011, nước sông Nậm Mộ dâng cao kỷ lục đã làm hàng trăm nhà dân bị sập, cuốn trôi, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, thị trấn Mường Xén chịu thiệt hại nặng nề nhất với 105 nhà bị sập, trôi, 133 hộ nhà bị ngập; xã Hữu Kiệm có 42 nhà sập, trôi, 11 hộ phải tháo dỡ nhà di dời, 43 nhà bị ngập. Sau lũ, hệ thống đê kè bị hư hại, nhiều khu vực dân cư nước lũ đã khoét sâu vào bờ.
Để giúp người dân ổn định cuộc sống, năm 2013, công trình kè chống sạt lở bờ sông Nậm Mộ với chiều dài hơn 1,6 km, tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ được khởi công. Dự kiến sau khi hoàn thành, công trình sẽ khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân vào mùa mưa lũ. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua do khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn, công trình vẫn còn dang dở. Nhiều gia đình buộc phải tìm nơi ở mới bởi nơi ở cũ không còn, một số hộ khác có điều kiện hơn đã tự bỏ tiền đầu tư các kè đá tạm, thế nhưng cứ đến mùa mưa lũ thì ai cũng nơm nớp nỗi lo sạt lở.
Ông Lô Minh Hoạt, khối 4, thị trấn Mường Xén cho biết, sông Nậm Mộ tuy bé nhưng về mùa mưa nước chảy rất xiết. Để có mặt bằng làm nhà, gia đình ông đã phải làm kè đá lên cao, tuy nhiên nếu gặp phải nước xoáy thì kè đá có thể bị cuốn trôi bất lúc nào. Vì vậy, cứ đến mùa mưa lũ ai trong gia đình cũng nơm nớp lo sợ.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Mường Xén Lương Văn Biên, dân cư thị trấn đều sinh sống bám theo trục Quốc lộ 7A, một bên là dòng sông Nậm Mộ nên rất nhiều hộ bị ảnh hưởng do sạt lở, trong đó tập trung ở địa bàn khối 4 và 5. Trong khi dự án kè chống sạt lở chưa hoàn thành, nhiều hộ đã tự bỏ tiền làm kè đá nhưng những đoạn kè tạm này không có tính liên hoàn, nếu mưa lũ lớn có thể phá hỏng bất cứ lúc nào.
Dọc theo bờ sông Nậm Mộ không khó để bắt gặp những ngôi nhà chênh vênh được gia cố bằng những bờ kè đá tạm bợ. Để tránh dòng nước một số hộ đã xây dựng hệ thống móng nhà cao 3-4m dựng đứng sát bờ sông, một số hộ khác thì dùng hệ thống cột thay thế. Theo người dân địa phương, ngoài nguyên nhân tự nhiên thì tình trạng người dân tự ý đổ đất đá lần chiếm lòng sông là một trong những nguyên nhân khiến dòng Nậm Mộ bị thu hẹp, nhiều đoạn bị đổi dòng khiến dòng chảy trở nên hung hãn.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, thực trạng có nhiều hộ dân sống ven bờ sông Nậm Mộ đang gặp nguy hiểm bởi nguy cơ sạt lở đã được chính quyền địa phương nắm bắt. Vừa qua, UBND huyện cũng đã có cuộc họp với UBND thị trấn Mường Xén, yêu cầu UBND thị trấn thống kê toàn bộ các hộ nằm trong diện nguy hiểm có nguyện vọng di dời về nơi tái định cư mới. Sau khi có kết quả, UBND huyện sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư.
Hàng trăm nhà dân, nhiều đơn vị hành chính, trường học... nằm chênh vênh dọc bờ sông Nậm Mộ có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Trong khi mùa mưa lũ đang đến gần, tính mạng và tài sản của người dân luôn bị rình rập, rất cần sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Nghệ An để người dân an tâm sinh sống.