Tại tỉnh Đắk Nông, ông Trương Anh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 1.000 em tới trường. Trong số này, có tới 33% học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế rất khó khăn.
Vì thế, để tạo điều kiện cho các em đến trường, sở đã dành khoảng 6 tỷ đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập phát miễn phí cho học sinh dân tộc thiểu số, xây mới 265 phòng học.
Tại tỉnh Đắk Nông, ông Trương Anh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 1.000 em tới trường. Trong số này, có tới 33% học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế rất khó khăn.
Vì thế, để tạo điều kiện cho các em đến trường, sở đã dành khoảng 6 tỷ đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập phát miễn phí cho học sinh dân tộc thiểu số, xây mới 265 phòng học.
Trang thiết bị tin học cho học sinh phổ thông, đồ chơi cho học sinh mầm non… cũng được đầu tư thêm với tổng trị giá khoảng 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Trương Anh cũng thừa nhận rằng những nỗ lực này là quá ít ỏi và chỉ mang tính chất động viên vì việc đi học với đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó khăn và tốn kém. Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Trương Anh cho biết, cả huyện Đắk Glong chỉ có duy nhất một trường trung học phổ thông. Để đi học, có học sinh phải vượt qua quãng đường 130km, ngang với khoảng cách sinh viên các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng về Hà Nội học. Để có thể đến lớp, các em buộc phải trọ học, rất tốn kém, chưa kể đi lại quá xa xôi và không thể lao động phụ giúp gia đình.
Các trường mầm non, tiểu học thì có nhiều nơi cơ sở vật chất rất yếu, thậm chí không có trường lớp mà phải nhờ nhà dân.
Vì thế, năm nào tình trạng học sinh bỏ học cũng diễn ra. Năm 2009, tỷ lệ học sinh của tỉnh bỏ học là 1,2%. Năm 2010, con số này là 1,5%. “Đầu năm học, giáo viên lại có thêm nhiệm vụ quan trọng là đến từng nhà dân để vận động các em đến trường,” ông Trương Anh chia sẻ.
Giống như Đắk Nông, tỉnh Bắc Giang cũng có một số huyện rất khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Sơn Động. Theo bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, để chuẩn bị cho năm học mới, sở đã lên kế hoạch từ rất sớm như củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, vận động quyên góp sách cũ…
Cụ thể, đã có 886 phòng học, nhà công vụ được xây mới. Gần 4.400 bộ bàn ghế mới theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được chuyển đến các trường. Tranh thủ dịp hè, các trường cũng sửa chữa 1.800 bộ bàn ghế và hơn 800 phòng học, phòng chức năng.
Thực hiện phong trào quyên góp, sử dụng sách giáo khoa cũ và tặng sách cho học sinh nghèo, học sinh là con em đối tượng chính sách, 3.800 cuốn sách đã được chuyển đến tay các em để đồng hành chào đón năm học mới.
Phó Chánh văn phòng Sở Phạm Minh Tuân cho biết, năm học này, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 330.000 học sinh ở 824 trường. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng thầy và trò đều cố gắng vươn lên. “Những ngày này, không khí khai trường đang rộn rã khắp nơi. Mọi công tác chuẩn bị đón chào năm học mới đã sẵn sàng,” ông Tuân nói.
Trong khi các tỉnh vùng khó lo sách vở cho học sinh thì ở các vùng thuận lợi, lãnh đạo ngành giáo dục có điều kiện để tập trung hơn cho chuyên môn.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Trang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, năm học này ngành giáo dục đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh. Hơn 600 tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng trường Trung học phổ thông Chuyên. Dự kiến, trong khoảng một năm nữa, ngôi trường mới bề thế sẽ đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo những học sinh ưu tú nhất của tỉnh.
Không chỉ đầu tư cho trường chuyên, Bắc Ninh cũng là tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng cơ sở vật chất, trường lớp.
“Hiện toàn tỉnh đang gấp rút để chuẩn bị cho ngày khai giảng tới đây. Một số trường sẽ tiến hành khai giảng sớm vào ngày 4/9, còn lại sẽ khai giảng vào ngày 5/9 theo lịch chung của cả nước,” bà Trang nói.
Còn tại Hà Nội, thầy Nguyễn Văn Hiện, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trung Văn, huyện Từ Liêm, hồ hởi cho biết, năm học này, cơ sở vật chất của trường đã cơ bản hoàn thiện. Trong dịp hè, các bàn ghế mới đã được bổ sung để đón năm học mới.
“Năm học này, chúng tôi đang lên kế hoạch sẽ bồi dưỡng cho giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Trường sẽ mời các chuyên gia từ sở giáo dục và đào tạo và các trường đại học về dự giờ, góp ý cho giáo viên ở 5 môn chính là Văn, Toán, Lý, Hóa và Ngoại ngữ,” thầy Hiện cho biết.
Những ngày này, không khí khai giảng đã rất náo nhiệt. Ở tất cả các trường, học sinh đang tích cực tập dượt để chuẩn bị cho buổi lễ diễn ra tốt đẹp và bắt đầu một năm học mới suôn sẻ, chỉ sau 2 ngày nữa.
Phạm Mai (Vietnam+)