Hành khách lúng túng trong ngày đầu tiên dời trạm xe buýt Bến Thành

Nhiều hành khách còn bỡ ngỡ và lúng túng để bắt đúng tuyến xe buýt trong ngày đầu tiên dời trạm xe buýt sang tuyến đường Hàm Nghi (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Em Nguyễn Thị Hậu (20 tuổi), có mặt ở trạm trung chuyển xe buýt mới trên đường Hàm Nghi từ 6 giờ sáng để bắt tuyến xe buýt số 53 đi đại học Quốc Gia. Em cho biết: “Em tới trạm xe buýt cũ ở vòng xoay Quách Thị Trang thì được hướng dẫn đi tới trạm mới này cách khoảng 200 mét. Ngay đầu đường Hàm Nghi em đã thấy băng rôn hướng dẫn các tuyến xe buýt. Nhưng các tuyến này không xếp theo thứ tự nên không biết vị trí đón tuyến xe buýt số 53 ở đâu cả. Sau đó được các anh nhân viên ở đây hướng dẫn em mới biết tuyến xe buýt số 53 nằm gần cuối đường Hàm Nghi”.

Băng rôn hướng dẫn các tuyến xe buýt trên đường Hàm Nghi.

Không chỉ trường hợp em Hậu, trong ngày đầu tiên hoạt động trạm trung chuyển xe buýt mới, rất nhiều hành khách lúng túng để bắt đúng tuyến xe buýt. Mặc dù phía Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố đã bố trí nhân viên trực hướng dẫn, giải đáp thông tin thắc mắc cho hành khách.

Nhân viên hướng dân cho hành khách điểm đón tuyến xe buýt.

Điều đáng nói là tuyến đường Hàm Nghi vẫn phân làn cho xe ô tô lưu thông qua trạm xe buýt nên tình hình trật tự an toàn giao thông ở khu vực này trở nên phức tạp hơn vì không ít hành khách vội vã băng qua đường để đến đúng trạm cho kịp thời gian đón xe buýt.

Ô tô vẫn đi vào đường Hàm Nghi khiến tình hình giao thông khu vực này trở nên phức tạp hơn.

Chẳng hạn như trường hợp của em Nguyễn Thị Hậu, sau khi nhận được hướng dẫn từ nhân viên, ngay từ đầu đường Hàm Nghi, sinh viên này phải đi bộ qua hai ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Hàm Nghi và Pasteur – Hàm Nghi với chiều khoảng 700 mét mới tới được vị trí đón đúng tuyến xe buýt của mình. “Em sợ trễ chuyến nên hộc tốc chạy thật nhanh và phải vượt qua hai ngã tư đông xe nữa. Em là thanh niên không sao, chứ gặp mấy người già, phụ nữ mang thai thì rất bất tiện”, em Hậu nói.

Nhiều hành khách vất vả đón tuyến xe buýt vì trạm trung chuyển dài đến 700 mét.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố, cho rằng trạm mới này phải dài 700 mét và đây cũng là nhược điểm lớn nhất vì nếu gom lại thì sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc ngay. “Trong giai đoạn đầu thì làm những nhà chờ tạm và các phương tiện đi chung. Nhưng khi triển khai giai đoạn 2, chúng tôi sẽ kiến nghị Sở Giao thông vận tải để 700 mét đường này chỉ dành riêng cho xe buýt hoạt động để đảm bảo an toàn”, ông Ân cho biết.

Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công công sẽ kiến nghị Sở Giao thông vận tải tuyến đường Hàm Nghi sẽ dành riêng cho xe buýt.

Được biết, dự kiến đến tháng 6, trạm trung chuyển xe buýt trên đường Hàm Nghi sẽ được đầu tư hoàn thiện và trở thành một trạm trung chuyển xe buýt hiện đại để phục vụ hành khách tốt hơn. Theo đó, trạm trung chuyển này sẽ có hệ thống nhà chờ mới với những trang thiết bị hiện đại như bảng thông tin điện tử thời gian thực, nhà vệ sinh công cộng...

Lực lượng bán hàng rong cũng kéo ra theo trạm mới gây mất mỹ quan đô thị.

Trong ngày hoạt động đầu tiên, lực lượng như Cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 cũng đã có mặt để đảm bảo không xảy ra ùn tắc tại 8 giao lộ xác định có nguy cơ gồm: Hàm Nghi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur – Hàm Nghi, Pasteur – Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi, Nguyễn Thị Nghĩa – Lê Lai, Nguyễn Thị Nghĩa – Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học, Yersin – Trần Hưng Đạo.


Ông Hà Lê Ân cho biết thêm, với việc vòng xoay Quách Thị Trang sẽ được mở rộng, trạm trung chuyển xe buýt dời về đường Hàm Nghi và đường Lê Lợi nên thời gian tới sẽ xuất hiện rào chắn mới, dự kiến khu vực trung tâm sẽ xảy ra ùn tắc rất nghiêm trọng.


“Với những vấn đề trên, tôi khuyến cáo người dân không có nhu cầu làm việc trên các tuyến đường Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng thì nên hạn chế vào khu vực trung tâm từ các tuyến đường như: Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng”, ông Ân nói.


Theo đó, hướng từ Chợ Lớn (quận 5) về quận 4 nên sử dụng các cầu như: cầu Ông Lãnh, Calmett, Nguyễn Văn Cừ. Còn về quận Bình Thạnh thì nên sử dụng đường: Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Lý Chính Thắng. Nếu từ trung tâm thành phố về quận Tân Bình, Tân Phú thì nên sử dụng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng, Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Trường Sa, Hoàng Sa... để tránh những tuyến đường nói trên.


Anh Đức/Báo Tin Tức
Di dời trạm xe buýt Bến Thành để phục vụ xây dựng nhà ga Metro ngầm
Di dời trạm xe buýt Bến Thành để phục vụ xây dựng nhà ga Metro ngầm

Ngày 10/4, Trạm trung chuyển xe buýt Bến Thành sẽ được chuyển về đường Hàm Nghi (quận 1, TP Hồ Chí Minh) để phục vụ cho việc xây dựng Trung tâm thương mại ngầm và nhà ga Bến Thành thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN