Hành khách không phải xét nghiệm, đánh giá cấp độ dịch
Theo hướng dẫn tạm thời mới về cấp độ, Bộ GTVT đánh giá các cấp độ gồm: Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 - nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 - nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch được đánh giá từ quy mô cấp xã; khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã), nhằm đảm bảo thích ứng linh hoạt, hiệu quả.
Đối với hành khách tham gia giao thông (trừ vận tải hàng không, đường sắt) phải đáp ứng các yêu cầu như tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế. Bộ GTVT chỉ yêu cầu xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở.
Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm hành khách thuộc các trường hợp: Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn. Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Theo Bộ GTVT, việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ. Trường hợp Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế ban hành quy định mới về phòng chống dịch đối các với đối tượng áp dụng tại hướng dẫn tạm thời này thì thực hiện theo quy định mới.
Riêng đối với 2 lĩnh vực hàng không, đường sắt chưa áp dụng hướng dẫn tạm thời mới này, tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành cho đến ngày 20/10. Đối với hàng không là các hướng dẫn số 1776 và 1786. Với đường sắt là quyết định số 1782. Bộ GTVT cũng đã giao nhiệm vụ cho Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam sơ kết, đánh giá thời gian thực hiện thí điểm tổ chức vận tải hành khách, đề xuất phương án giai đoạn tiếp theo, báo cáo Bộ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch quyết định.
Hành khách cần giấy tờ gì để đi tàu hỏa, máy bay
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang thí điểm tổ chức 2 đôi tàu khách Thống nhất Hà Nội - TP Hồ Chí Minh xuất phát hàng ngày tại hai ga Hà Nội, Sài Gòn với hành trình đón, trả khách tại 23 ga theo quy định chạy tàu khách thí điểm của Bộ GTVT.
Để được vào ga đi tàu, hành khách đi từ địa phương, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... đến địa phương, khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện, giấy xác nhận khỏi bệnh).
Đồng thời, phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu.
Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của Bộ Y tế như trẻ dưới 18 tuổi, người già có bệnh nền chưa tiêm được..., khi đi cùng người thân có đủ điều kiện trên cùng chuyến tàu thì phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu.
Hành khách đi từ địa phương, khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương, khu vực có nguy cơ tương đương hoặc cao hơn, phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu. Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, sau khi mua vé tất cả hành khách phải hoàn thành bản cam kết phòng chống dịch COVID và nộp tại ga mới được vào ga đi tàu.
Hành khách đã mua vé, nhưng chưa khai báo cam kết phòng chống dịch, có thể vào website bán vé tàu của ngành Đường sắt như dsvn.vn để khai báo hoặc ra ga khai báo. Trước khi lên tàu, hành khách phải khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Hành khách không được tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… Cùng các loại giấy tờ, thủ tục phục vụ công tác phòng, chống dịch trên, tất cả hành khách đi tàu phải có giấy tờ tùy thân theo quy định vận chuyển của ngành Đường sắt.
Với ngành Hàng không, hành khách đi máy bay từ các sân bay sau khi mở cửa hàng không cũng phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu.
Hành khách đi máy bay phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử, PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19); có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Hành khách cũng phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu. Hành khách không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...