Người đi đường... hú vía
Mới đây nhất, ngày 4/4, hai cuộn thép nặng hàng chục tấn được một xe container chở đã bị đứt xích, lăn từ trên xe rơi thẳng xuống đường đã gây hoảng loạn cho những người tham gia giao thông trên quốc lộ 51, đoạn qua xã Long Phước, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Nguyên nhân là khi xe phanh gấp, lực quán tính đã khiến dây xích chằng cuộn thép trên xe bị đứt, làm 2 cuộn thép rơi xuống đường. Rất may, hai cuộn thép rơi không gây thiệt hại về người nhưng cũng đã làm thiệt hại cabin xe container và khiến một chiếc xe khác lưu thông ngược chiều không kịp tránh đã lao lên khối bêtông dải phân cách.
Trước đó, cuối tháng 2 tại Bình Dương, 3 cuộn thép nặng hàng chục tấn trên xe container cũng bị đứt cáp rơi xuống đường. Nhiều người đi xe máy may mắn né tránh nên đã thoát nạn trong gang tấc.
Điều đáng nói, những xe container chở các cuộn tôn, thép nặng hàng chục tấn lưu thông trên đường diễn ra thường xuyên và không ít vụ tai nạn đã xảy ra khi các cuộn kim loại này không được chằng buộc cẩn thận đã đứt xích, rơi xuống đường; thậm chí có vụ tài xế đã tử vong khi bị các cuộn thép này đè bẹp cabin xe.
Theo những người dân sinh sống trên các tuyến quốc lộ, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt xe container chở các cuộn thép lưu thông. Các cuộn thép này nặng hàng chục tấn nhưng lại chằng buộc rất sơ sài, đặt trên sàn rơmoóc được kê bằng thanh gỗ nhỏ và chằng bằng sợi dây xích nhỏ hoặc dây dù dày luồn qua cuộn thép để giằng néo vào sàn rơmoóc. Chính vì vậy, khi có sự cố xảy ra, xe phanh gấp dồn lực về phía trước khiến các dây xích chằng bị đứt. Nhiều lái xe chuyên nghiệp cũng thừa nhận, rất khó để có thể xử lý khi vụ tai nạn xảy ra.
Điều này đã khiến nhiều người đi đường cũng như những hộ dân sống hai bên quốc lộ luôn nơm nớp lo sợ khi thấy những chiếc xe chở thép cuộn lưu thông. Anh Trần Anh Minh (ngụ tại quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tuần nào tôi cũng phải đi thị xã Phú Mỹ vì làm việc cho nhà máy phân đạm ở đó. Tuy nhiên, điều tôi luôn lo sợ nhất khi đi cùng chiều với xe chở cuộn tôn, thép. Vì vậy, khi có xe này chạy vượt qua, anh luôn dừng lại cho xe này qua hẳn mới tăng ga đi tiếp”.
Theo Luật sư Vũ Quyết Tiến (công ty Luật Globalink Law Firm), xe container chở cuộn sắt, tôn, thép chưa quy định vào chở hàng hoá "đặc chủng" nên khi các vụ tai nạn xảy ra, CSGT chỉ mới xử lý xe chở quá tải hoặc các vụ vi phạm giao thông thông thường, chưa mang tính răn đe và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Trong khi đó, theo quy định, mỗi xe container, nếu đúng trọng tải, chỉ chở được 1 hay 2 cuộn thép. Thế nhưng, thông thường các vụ tai nạn giao thông loại này thường gây ra hậu quả rất nghiêm trọng về người và tài sản trên đường bởi khối lượng của các cuộn thép là rất lớn, khoảng 10 tấn/cuộn; khi có tai nạn xảy ra, các cuộn thép thường theo quán tính sẽ lăn trên đường và va chạm với các phương tiện lưu thông hoặc các hộ dân bên đường, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Cần đưa vào quy định là hàng hoá nguy hiểm
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 42/2020, danh mục hàng hoá nguy hiểm và vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng xe cơ giới đường bộ… là hàng hoá có chứa các chất nguy hiểm, có khả năng nguy hại tới tính mạng, sức khoẻ con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Ngoài ra, tại Phụ lục 01 – Nghị định 42 thì hiện nay có đến 2921 danh mục hàng hoá nguy hiểm chủ yếu là vũ khí, các loại chất, khí… Tuy nhiên, mặt hàng sắt, tôn, thép cuộn không nằm trong các danh mục này.
Luật sư Vũ Quyết Tiến cho rằng, đối chiếu quy định pháp luật thì đặc điểm của thép cuộn là hàng hoá có khả năng nguy hại tới tính mạng, sức khoẻ, an toàn cho toàn bộ các phương tiện lưu hành trên đường bộ. Vì vậy, các cơ quan chức năng, Bộ chuyên ngành cần xem xét, điều chỉnh để thêm danh mục hàng hoá nguy hiểm đối với cuộn thép. Bên cạnh đó, cần áp dụng các yêu cầu, điều kiện hàng hoá nguy hiểm đối với người chuyên chở, phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá… như sắt, tôn, thép cuộn theo quy định pháp luật để bảo đảm việc chuyển chở các mặt hàng này an toàn khi tham gia lưu thông trên đường bộ.
Các cơ quan chức năng cũng nên tăng cường kiểm tra và giám sát, xử lý các phương tiện chuyên chở sắt, tôn, thép cuộn trong thời gian tới thông qua nhiều hình thức và cách thức như thông qua các trạm thu phí; các cơ quan chức năng thiết lập các phương tiện kiểm tra, phân luồng riêng đối với phương tiện chuyên chở các mặt hàng nguy hiểm cũng như cuộn sắt, tôn, thép khi qua các trạm; giám sát bằng camera và thông báo cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tuần tra giao thông giám sát việc lưu thông của các phương tiện này.
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp chế tài hành chính hoặc nặng hơn là chế tài hình sự đối với hành vi vi phạm khi không tuân thủ các yêu cầu, điều kiện khi chuyển chở; tuyên truyền pháp luật, tình huống để nâng cao ý thức pháp luật, sự cảnh giác khi tham gia giao thông cùng các phương tiện giao thông.