Hiệu quả hầm và cầu vượt bộ hành

Để hạn chế tai nạn, tạo thuận lợi cho người đi bộ, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng triệu USD xây dựng các hầm và cầu vượt bộ hành. Nhưng, sau thời gian dài, người đi bộ chẳng mấy mặn mà với nó.

Tạo thói quen... không dễ

Hà Nội hiện có 4 cầu vượt dành cho người đi bộ trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Voi Phục - Cầu Giấy và các hầm bộ hành dành cho người đi bộ tại các nút giao thông trọng điểm Ngã Tư Sở, trên đường Phạm Hùng... Tuy nhiên, chỉ có một vài hầm và cầu vượt bộ hành phát huy tác dụng, còn hầu hết đều bị người tham gia giao thông "làm ngơ” mỗi khi qua đường. Thực tế này xuất phát từ ý thức và thói quen khó thay đổi của một bộ phận lớn người đi bộ, vốn chỉ muốn nhanh, tiện, coi nhẹ việc đảm bảo an toàn giao thông cho chính bản thân mình và các phương tiện tham gia giao thông khác cũng như chưa bị xử lý nghiêm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Quan sát điểm hầm dành cho người đi bộ tại nút giao thông Ngã Tư Sở - công trình dành cho người đi bộ hiện đại và quy mô nhất thành phố - cảnh người leo qua hầm là điều dễ nhận thấy. Mặc dù hầm này có rất nhiều lối lên, xuống thuận lợi, dưới hầm đèn điện sáng trưng cả ngày lẫn đêm, nhưng hàng ngày hòa vào dòng phương tiện tham gia giao thông hỗn loạn, người đi bộ vẫn không mặn mà sử dụng hầm, mà chỉ chăm chăm nhìn trước ngó sau là băng qua lòng đường, tắt chéo qua nút hầm, bất chấp nguy hiểm rình rập.

Anh Đức Mạnh, nhà ở phố Nguyễn Trãi cho biết: Từ đường Trường Chinh muốn sang đường Láng phải qua hai lần chui hầm, vì ngại mất thời gian, nên qua đường trên mặt đất là nhanh nhất. Ý thức kiểu này tồn tại trong nhiều người dân sinh sống xung quanh khu vực này đã lâu, mà chưa được cải thiện. Rõ ràng, không chỉ người dân ở đây, mà tại nhiều điểm nút giao thông đông đúc khác chưa có hầm và cầu vượt bộ hành, việc tùy ý đi bộ không đúng luật là chuyện cơm bữa.

Cầu vượt trước cổng Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) cũng rơi vào cảnh thường xuyên vắng người qua lại, mặc dù lượng sinh viên, người dân đi bộ qua khu vực này hàng ngày không nhỏ, nhất là vào giờ cao điểm, giờ tan trường. Hình ảnh sinh viên dàn hàng, dắt díu, quan sát qua loa, đùa nghịch, rồi băng qua đường, khiến các phương tiện đang lưu thông nhiều khi phải phanh dúi phanh dụi, gây ra cảnh ùn tắc giao thông cả một đoạn đường dài. Khi được hỏi, lý do duy nhất mà các bạn sinh viên đưa ra rất đơn giản: Nếu sử dụng cầu vượt, người đi bộ sẽ phải đi quãng đường dài gấp 3 lần đi bộ dưới lòng đường...

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay chỉ có duy nhất cầu bộ hành trên đường Giải Phóng được xây dựng ngay cổng chính của Bệnh viện Bạch Mai là phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, việc chiếc cầu vượt tiện ích được người đi bộ tại đây sử dụng thường xuyên không phải do ý thức tự giác của người đi bộ được cải thiện, mà do ngành GTVT thành phố đã “bịt” toàn bộ dải phân cách cứng, hàng rào trên đường Giải Phóng, không còn cách nào khác người đi bộ bắt buộc phải đi cầu vượt qua đường.

Còn quá ít hầm và cầu vượt bộ hành

Các chuyên gia giao thông của Hà Nội đều có ý kiến: Với số lượng hầm và cầu vượt bộ hành chỉ đếm trên đầu ngón tay như hiện nay ở Hà Nội, cũng dễ thấy việc “thờ ơ” của người đi bộ. Trong khi đó, việc hướng dẫn cách sử dụng trước thói quen hiện hữu trong ý thức của người dân lâu nay còn như muối bỏ biển. Mỗi chiếc hầm và cầu vượt bộ hành được đầu tư xây dựng hết nhiều triệu USD, nhưng công tác đảm bảo an ninh, tuyên truyền áp dụng các quy định bắt buộc lại không tương xứng, khiến nhiều hầm và cầu vượt bộ hành rơi vào cảnh “ế khách”.

Đơn cử như hầm bộ hành nút Ngã Tư Sở có mức đầu tư tới 1.400 tỷ đồng, dài 500 m, nhưng nhiều người dân cho biết đi vào rồi mướt mồ hôi mới tìm được lối ra, hệ thống biển chỉ dẫn bố trí nhiều, nhưng trùng lặp, chẳng biết đâu mà lần. Điều này khiến người đi bộ rất khó xác định lối lên, thậm chí nhiều người đứng trước những biển chỉ dẫn nhưng vẫn không hiểu ra lối nào, đành phải tìm... nhân viên trực bảo vệ để hỏi đường. Nhiều trường hợp khác, người đi bộ đi qua hầm lên đường rồi lại xuống vì... nhầm đường. Hầu hết khách dù lần đầu hay đã đi nhiều lần đều phải nhờ đến sự hướng dẫn của bảo vệ trực dưới hầm.

Chưa hết, trên tuyến đường Phạm Hùng có nhiều hầm nằm rải rác, nhưng chỉ có 3 trong số đó là được sử dụng. Còn lại, một hầm đã khóa cửa, cỏ mọc um tùm và nghiễm nhiên trở thành hố rác công cộng, hầm khác nằm gần chợ đêm sinh viên Dịch Vọng thì bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh, "thu mua sắt vụn". Còn các cầu vượt bộ hành cũng không tránh khỏi tình trạng trở thành điểm bán hàng rong, bán nước, chèo kéo người đi bộ khi không có lực lượng an ninh... Ngoài ra, còn phải kể đến không khí ngột ngạt trong hầm và cầu vượt, nhất là những ngày hè oi bức. Thực tế này rõ ràng gây ra những cảm giác khó chịu và bức xúc cho nhiều người đi bộ và trở thành nguyên nhân chính khiến người đi bộ không chỉ thờ ơ, mà còn mẫn cảm với hầm và cầu vượt bộ hành, lâu dần làm cho người dân không còn tin tưởng nữa. Có thể thấy rất nhiều người dân có ý thức sử dụng cầu vượt, hầm đường bộ mỗi khi sang đường, nhưng chỉ sau một thời gian, con số này giảm đi đáng kể, đó hoàn toàn do lỗi của cầu vượt hoặc hầm bộ hành.

Theo Sở GTVT Hà Nội, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ có thêm nhiều cầu bộ hành được hoàn thành tại các tuyến đường có mức độ giao thông phức tạp như Đại Cồ Việt, Chùa Bộc, Thái Hà, Hoàng Quốc Việt, Giảng Võ, Láng Hạ... những khu vực có lưu lượng người và phương tiện giao thông lớn, nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ và giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, các cầu vượt, hầm bộ hành mới chỉ phát huy hiệu quả, thu hút người dân sử dụng, tạo thói quen văn minh, lịch sự, khi các ngành chức năng siết chặt hơn nữa công tác tuyên truyền, quản lý và người dân thực sự có ý thức sử dụng nó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN