Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác cho biết, việc hướng dẫn vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam nhằm cung cấp thông tin về địa vị pháp lý, thủ tục, quy trình, điều kiện cũng như hồ sơ vay vốn để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nói chung và hợp tác xã lâm nghiệp nói riêng có nhu cầu vay vốn có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp trồng rừng và tham gia chống biến đổi khí hậu.
Theo ông Hoàng Văn Long, điều phối viên của Dự án Nâng cao năng lực cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia, dự án này kéo dài 4 năm từ 2020-2023, tập trung vào đối tượng là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên của hợp tác xã có hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp và có tham gia chống biến đổi khí hậu.
Mặc dù nội dung của dự án rất rộng nhưng có một nội hàm là hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã, thành viên…liên quan đến lâm nghiệp và chống biến đổi khí hậu như môi trường, xây dựng.
Để có nhiều nguồn lực khác nhau để khu vực hợp tác xã phát triển lâm nghiệp theo chủ trương của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bên cạnh việc hỗ trợ bằng vật chất và kỹ thuật, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần ưu ái hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Ông Hoàng Văn Long cũng cho rằng, muốn phát triển lâm nghiệp phải công nghiệp hoá, chọn giống mới, nghiên cứu.. nên kinh phí rất lớn. Do đó, nếu phía bạn hỗ trợ nguồn vốn thì các hợp tác xã cũng phải bỏ ra từ 20-30% kinh phí nên rất cần sự chung tay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
Đại diện Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã chia sẻ, mục đích và nguyên tắc của Quỹ là hỗ trợ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn cả nước phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.
Hơn nữa, Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Nguồn vốn hoạt động do ngân sách cấp ban đầu là 100 tỷ đồng; vốn điều lệ nhà nước cấp đến hết ngày 19/2/2019 là 400 tỷ đồng. Đặc biệt, đối tượng cho vay tập trung vào các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nhu cầu và dự án đầu tư khả thi, hiệu quả.
Cũng theo đại diện Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, mức vốn cho vay tuỳ theo từng dự án nhưng không quá 80% tổng mức đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động). Riêng trường hợp vay vượt quá 10% nguồn vốn hoạt động của Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xem xét quyết định.
Về lãi suất cho vay do Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ, bằng 60% lãi suất cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước bằng đồng Việt Nam.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay đầu tư được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và cố định trong suốt thời hạn vay, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng. Lãi suất cho vay hiện tại là 5,13%/năm và thời hạn cho vay không quá 5 năm.
Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng vốn sai mục đích hoặc vi phạm hợp đồng tín dụng đã cam kết nhưng không khắc phục sửa chữa; ngừng hoạt động, sản xuất kinh doanh có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán…Quỹ sẽ chấm dứt cho vay và thu hồi nợ trước hạn.