Tây Nguyên thiên về văn hóa miền Trung, miền Nam nên thường trưng mai, cúc vào độ Xuân sang. Tuy nhiên, ở đây cũng có những người con xa xứ nhớ quê, họ trồng hàng trăm gốc đào để phục vụ người chơi hoa, góp phần mang không khí rộn ràng của Tết miền Bắc đến với mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn.
Anh Trần Văn Văn, 40 tuổi (tổ 1, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku) tâm sự: Là người con xứ Bắc, tốt nghiệp trung học phổ thông, anh theo gia đình vào Tây Nguyên học đại học và lập nghiệp. Mỗi dịp Tết đến, nhà anh thường mua đào từ Nam Định gửi vào vì bố mẹ nhớ quê.
Năm 2010, anh Văn mua giống đào ở Nhật Tân về trồng thử nghiệm. Qua vài năm mới cho ra kết quả ưng ý vì đào là loài cây khó tính, ưa ướt, lạnh nhưng đất phải thoáng, khô. Anh Văn đã nảy ra sáng kiến ghép phôi gốc đào rừng tại Gia Lai với thân đào bích mua từ miền Bắc. Gốc đào rừng khỏe, tán đào bích rộng nên cho cây đào ghép nở hoa khắp cành to, nhỏ. Hiện nay, vườn đào của anh Văn có khoảng 150 gốc để phục vụ khách chơi hoa Tết, giá tầm 2 - 10 triệu đồng/sản phẩm, tùy vào độ lớn, bé của cây đào.
Bà Thân Thị Xanh ở thành phố Pleiku, cho biết: Bà quê ở Ninh Bình, 5 năm nay, năm nào bà cũng mua một cây đào về chơi Tết. Gia đình bà được ăn Tết ở Tây Nguyên nhưng vẫn có không khí Tết miền Bắc nên mọi người rất phấn khởi.
Cũng là người con đất Bắc vì đau đáu nỗi nhớ quê và đam mê sắc hồng của những cánh đào từ thuở thiếu thời, ông Chu Kim Chúc, 58 tuổi, tổ 1, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku cũng dành hết thời gian nhàn rỗi cho vườn đào hơn 100 gốc của mình.
Ông Chúc cho biết, năm 1994, bố mẹ ông về thăm quê và mang vào Gia Lai vài gốc đào Nhật Tân để trồng cho đỡ nỗi nhớ quê mỗi khi Tết đến Xuân về. Thấy cây Đào có vẻ hợp với khí hậu Gia Lai, ông Chúc mua thêm và trồng thử nghiệm nhiều giống như: Đào bích, đào phai, tuyết đào. Rồi ông mày mò học kỹ thuật lai ghép, hiện 50% số đào tại vườn nhà ông là đào ghép từ gốc đào rừng Tây Nguyên với phôi đào miền Bắc mang vào. Đào ghép cánh dày, khỏe, màu tươi, cây sung sức.
Theo ông Chúc, đào rất khó chăm sóc vì không phải là cây bản địa nên để hoa đào bung đúng dịp Tết cũng phải kỳ công nghiên cứu, chăm bón. Có một cây đào ghép ưng ý, phải mất hơn 3 năm chăm sóc, thuần giống. Giống đào phù hợp với đất thịt pha sét, đất vùng cao ráo, cây chịu nắng, trước khi trồng phải bón lót bằng phân hữu cơ vi sinh và giữ ẩm cho gốc đến khi cành ra lá non.
Đến tháng 8-9, người trồng bón phân thúc cho cây nảy nụ, khoảng đầu tháng 12 âm lịch tiến hành ngắt lá, ngắt bớt nụ to để dành sức cho đào nuôi các nụ nhỏ nở đúng dịp Tết. Tuy nhiên, tùy sức khỏe mà mỗi cây đào có một chế độ chăm sóc khác nhau.
Hiện nay, khí hậu tại Gia Lai se se lạnh, là điều kiện thuận lợi nhất cho đào bung nụ. Ông Chúc, anh Văn phải thuê thêm người đi ngắt nụ lớn, ngắt bớt chồi non để dưỡng sức cho cây bung hoa đúng ngày.
Sắc hồng của đào miền Bắc hòa quyện vào nắng vàng Tây Nguyên làm xao lòng người dân phố núi. Năm mới sắp đến, những người con miền Bắc lại rộn ràng đón Tết ở Tây Nguyên với niềm hân hoan như được sống trong hương sắc quê nhà bên cành đào bung hoa rực rỡ.