Nước thải của làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) được xả thẳng ra các ao, hồ, kênh mương khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN |
Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề, thu hút gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất, trong đó có hơn 700.000 lao động thường xuyên, chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên toàn thành phố.
Các làng nghề được phân loại theo 8 loại hình sản xuất gồm: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; một số loại hình khác.
Đa số các làng nghề này ít đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom rác thải, xử lý môi trường. Hoạt động sản xuất làng nghề phát sinh ô nhiễm cao nhưng tại khu vực này hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Một số công trình nghiên cứu thử nghiệm xử lý nước thải làng nghề đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp và kém ổn định.
Các công trình xử lý nước thải tập trung của các làng nghề hầu hết chưa được đầu tư; một vài điểm đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động, dẫn đến việc các nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng bao gồm cả nguồn nước ngầm. Các tiêu chí đánh giá mức ô nhiễm môi trường đều vượt giới hạn cho phép, đặc biệt tiêu chí coliform vượt hàng trăm lần, các chất độc hại như COD, BOD, nitrat, amoni đều vượt mức cho phép.
Để giải quyết tình trạng này, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Đề án đưa ra các nhóm giải pháp, cụ thể gồm: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tập trung xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn; nhóm giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; nhóm giải pháp về quy hoạch di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất; nhóm giải pháp về tài chính; nhóm giải pháp về nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tăng cường hợp tác quốc tế…