Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam 2016” sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 4/12/2016, với quy mô 250 gian hàng của gần 200 đơn vị, doanh nghiệp; tới từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Họp báo giới thiệu sự kiện Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam 2016”. |
Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam 2016” sẽ chính thức khai mạc vào tối 1/12/2016, tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City (Hà Nội). Hội chợ do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức, nhằm thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của UBND thành phố Hà Nội.
Theo BTC cho biết, các mặt hàng trưng bày tại hội chợ rất phong phú, đa dạng và được Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có doanh nghiệp tham gia thẩm định về nguồn gốc và chất lượng.Trong đó, một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hoá.
Dự kiến sẽ gồm các nhóm sản phẩm: Thuỷ hải sản chế biến, bánh kẹo, chè – cà phê, đồ uống, thực phẩm chế biến, nông sản, thực phẩm tươi sống, gia vị... Đặc biệt, các sản phẩm được trưng bày,giới thiệu theo các khu gian hàng của từng vùng miền như vùng Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... nhằm nhấn mạnh được nét đặc trưng, đặc sắc của mỗi khu vực.
Hội chợ là cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, qua đó bảo tồn và phát triển được nét văn hóa truyền thông, đặc trưng của các vùng miền. Đồng thời, các nhà sản xuất cũng có thể tiếp cận được với các hệ thống phân phối, với người tiêu dùng Thủ đô và quốc tế. |
Bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, đơn vị tổ chức Hội chợ, cho biết: “Hội chợ không đặt mục tiêu bán hàng, mà là cơ hội để quảng bá, giới thiệu hàng hóa, đặc sản để hướng tới mục tiêu lâu dài hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp xúc với khách hàng, cách trưng bày, bao bì… Do đó, BTC đã phải tiếp xúc, gặp gỡ và thuyết phục doanh nghiệp thay đổi cách thức tham gia hội chợ, quan tâm hơn quảng bá thương hiệu, liên kết phân phối theo hệ thống.So với năm đầu tổ chức, khi mà BTC phải đi giới thiệu, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia với quy mô 120 gian hàng; thì năm nay, các doanh nghiệp từ khắp các vùng miền đã chủ động đăng ký tham gia với 250 gian hàng”.
Bên cạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ; trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra hai hoạt động do UBND thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương chủ trì: Hội thảo về “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý” (sáng 1/12) và Hội nghị“Giao thương kết nối cung cầu hàng hoá giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2016” (chiều 1/12).
Hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý” được tổ chức nhằm mục đích đánh giá thực trạng và xem xét các mô hình thành công trong và ngoài nước; hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp về các vấn đề pháp luật về chỉ dẫn địa lý, cũng như khuyến nghị địa phương, doanh nghiệp, cơ quan hỗ trợ và xúc tiến thương mại các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường trong nước đối với sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền; cập nhật thông tin cho địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ và xúc tiến thương mại về một số nội dung liên quan đến chỉ dẫn địa lý trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Còn Hội nghị “Giao thương, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh/thành phố 2016”, do Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước-Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức; nhằm tăng cường các hoạt động liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; trao đổi, hợp tác tiêu thụ hàng hóa giữa các doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường nước gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hội nghị sẽ góp phần kết nối các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa các tỉnh, thành phố với hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội, qua đó hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm tiềm năng, đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi và thuận lợi; đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường.
"Hội nghị “Giao thương kết nối cung cầu hàng hoá giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2016” với nội dung nhằm tăng cường liên kết lĩnh vực Công Thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, tập trung các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu… Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại của Hà Nội quảng bá sản phẩm đến tiêu thụ tại các tỉnh thành phố thường niên và phục vụ các dịp lễ, tết. Tổ chức trưng bày các sản phẩm bên lề Hội nghị để đơn vị tham gia giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm hàng hóa cụ thể tới đối tác nhằm thuận tiện trong đánh giá, trao đổi giao thương kết nối cung – cầu giữa thành phố Hà Nội và các địa phương tham dự", đại diện BTC cho biết.