Tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ người dân tộc thiểu số còn cao
Phát biểu tại sự kiện, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản - tình dục của người dân trong vòng 20 năm qua, và là một trong 6 quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (MDG5) về giảm tình trạng tử vong mẹ vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục giữa các dân tộc, vùng miền.
Theo Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, các bằng chứng hiện tại cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn ở mức cao với 100-150 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống ở các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
Trong số các ca tử vong bà mẹ tại khu vực trung du - miền núi phía Bắc, phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ rất cao, ví dụ như phụ nữ dân tộc Mông chiếm 60% và dân tộc Thái chiếm 17%. Tại khu vực này, tỷ số tử vong ở các bà mẹ là người dân tộc Mông cao gấp 7 lần so với phụ nữ dân tộc Kinh. Hơn một nửa số ca tử vong mẹ xảy ra tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh do năng lực quản lý các biến chứng thai sản của các cơ sở y tế vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, vị trí địa lý xa xôi, khó tiếp cận, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, rào cản văn hóa cũng như hiểu biết hạn chế về các biến chứng thai sản cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở bà mẹ gia tăng.
Kể từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến sự bất bình đẳng vốn đã tồn tại càng trầm trọng thêm, gây ảnh hưởng đặc biệt đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái nói chung và bà mẹ mang thai vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Phân tích mô hình của UNFPA ước tính rằng, dịch COVID-19 trong 3 tháng đầu năm 2020 có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở bà mẹ từ 44 đến 65% trong năm 2020 tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam có thêm 298 - 443 bà mẹ tử vong do mang thai và sinh con trong 1 năm. “Điều này đe dọa đảo ngược những thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản - tình dục”, bà Naomi cảnh báo.
Từ các số liệu và thực tế trên, bà Naomi nhấn mạnh: “Việc ký kết khởi động Dự án này thể hiện cam kết của UNFPA trong việc tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đảm bảo quyền và sự lựa chọn cho tất cả mọi người, đồng thời đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục có chất lượng để ngăn chặn tình trạng tử vong mẹ, góp phần vào nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030”.
Trong khi đó, bà Jennifer Cox, Tổng Giám đốc MSD HH tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi tự hào được hợp tác với UNFPA - một đối tác lâu năm - để khởi động chương trình MSD cho các bà mẹ, đầu tư vào các can thiệp mang tính đổi mới sáng tạo nhằm giảm tử vong mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam, hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chúng tôi tin rằng, dự án này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ Việt Nam và tạo nền tảng để phát triển cộng đồng, xã hội cho các thế hệ mai sau...”
Đại diện Bộ Y tế chứng kiến lễ ký kết, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em khẳng định sự ủng hộ của Bộ Y tế đối với dự án. Ông cho biết, cải thiện tình trạng sức khỏe của những đối tượng bị bỏ lại phía sau, bao gồm cả người dân tộc thiểu số, là trọng tâm trong chương trình nghị sự về phát triển của Chính phủ. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ dự án này sẽ giúp Bộ Y tế triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2021-2025 với tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về chăm sóc sức khỏe.
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng tử vong ở bà mẹ vùng dân tộc thiểu số
Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai ở 60 xã dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa của sáu tỉnh khó khăn nhất bao gồm Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai, sẽ được hưởng lợi từ Dự án, nhằm ngăn chặn tình trạng tử vong ở bà mẹ.
Theo UNFPA Việt Nam, dự án do MSD for Mothers và MSD Việt Nam tài trợ với số tiền 1,2 triệu USD cùng với UNFPA cam kết tài trợ riêng cho dự án số tiền 810.000 USD, là một trong những sáng kiến quan trọng nhất nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ vùng dân tộc thiểu số tại sáu tỉnh thuộc khu vực trung du - miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thông qua các can thiệp mang tính đổi mới sáng tạo, chú trọng vào những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ dân tộc thiểu số - nhóm đối tượng có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển ở Việt Nam.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục toàn diện, có chất lượng, tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi; xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Dự án sẽ lồng ghép biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 vào chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục hiện có. Trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, các can thiệp mang tính đổi mới sáng tạo được chú trọng triển khai bao gồm các can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa, trong đó có các ứng dụng điện thoại thông minh sử dụng mạng Internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục ở các vùng dân tộc thiểu số.