Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn, dông lốc cực đoan có thể xảy ra do hoàn lưu của bão, các Bộ, ngành và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương không chủ quan trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới, đồng thời tăng cường công tác trực ban, theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cần theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, kịp thời ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế, cùng với đó là việc cung cấp các bản tin dự báo 24 tiếng, 48 tiếng đến các tỉnh, thành phố, cấp huyện, thị xã thuộc cấp huyện, thành phố để chủ động trong công tác ứng phó đặc biệt là công tác phòng chống lũ quét, lũ ống đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Khu vực trên biển, ven bờ cần thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển (lưu ý các tàu đang nằm trong vùng nguy hiểm, vùng ảnh hưởng) biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (tàu vận tải, tàu du lịch, các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản...) để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.
Khu vực đất liền, trên đảo, theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão và mưa, lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân và khách du lịch để chủ động phòng, tránh, nhất là tại các khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối và đặc biệt lũ quét, sạt lở đất các tỉnh miền núi; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tổng cục Thủy Lợi, Vụ Quản lý đê điều kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng xử lý trọng điểm xung yếu, có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công và chủ động các trạm bơm tiêu úng khi mưa lớn xảy ra.
Bên cạnh đó, các địa phương sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 2/7, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 28.641 phương tiện/103.267 người; 3.526 lồng bè, lều, chòi canh/4.654 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến sáng 2/7, vẫn chưa tìm thấy 9 thuyền viên tàu NA95899 bị chìm ngày 28/6, có 12 tàu cá hoạt động trong khu vực dự kiến ảnh hưởng, 6 tàu hoạt động gần khu vực ảnh hưởng.