Từ năm 2003, hai chính phủ đã ký thỏa thuận hợp tác lần đầu tiên về việc đưa người Việt Nam sang làm việc tại Malaysia, ký lại năm 2015 và năm 2022 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của cựu Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (30/3/1973-30/3/2023), ông Thái Phúc Thành khẳng định, hợp tác lao động luôn được đề cập trong hầu hết các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước.
Nội dung hợp tác luôn gắn chặt với lợi ích của người lao động, của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia. Hợp tác lao động Việt Nam-Malaysia không chỉ là hợp tác song phương mà còn nằm trong khuôn khổ hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các hiệp định thương mại mà 2 nước cùng tham gia.
Trưởng ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia cũng khẳng định ý nghĩa to lớn của các thỏa thuận hợp tác lao động mang lại cho hai nước. Việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia là một trong những nội dung hợp tác hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn 2002-2012, giúp giải quyết được nhu cầu rất cao về lao động của Malaysia - tạo ra nhiều giá trị gia tăng và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế Malaysia.
Các thỏa thuận này đã tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động Việt Nam, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm sức ép việc làm trong nước. Ước tính riêng khoản thu nhập của lao động Việt Nam tại Malaysia trong 10 năm, từ năm 2010-2020 là khoảng 1,5 tỷ USD dù số lượng lao động Việt Nam tại Malaysia giảm đáng kể; từ hợp tác lao động đã mở ra nhiều hợp tác kinh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch và đầu tư giữa hai quốc gia.
Malaysia được xem là thị trường lao động “dễ tính”, phù hợp với phần đông lao động phổ thông từ nông thôn Việt Nam. Lao động Việt Nam có cơ hội làm việc trong hầu hết tất cả các lĩnh vực ngành nghề tại Malaysia - như sản xuất, chế tạo, cơ khí, dệt may, xây dựng, dịch vụ, trồng trọt, nông nghiệp, giúp việc gia đình…
Theo thống kê chính thức, số lao động Việt Nam hiện đang làm việc hợp pháp tại Malaysia là hơn 12.300 người - trong đó hơn 50% làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, khoảng 10% trong lĩnh vực xây dựng, hơn 10% trong lĩnh vực dịch vụ, 10% trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đề cập đến mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động, ông Thái Phúc Thành cho rằng, phải tiếp tục hướng đến hợp tác hai bên cùng có lợi dựa trên quy luật kinh tế thị trường mà yếu tố quan trọng nhất là yếu tố cung-cầu lao động, đặc biệt là việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được dịch chuyển, cư trú và làm việc hợp pháp, hướng đến thị trường việc làm có thu nhập cao hơn, khai thác phân khúc thị trường lao động kỹ năng, có trình độ chuyên môn cao. Theo ông, đây cũng là một điểm mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước khi Malaysia đang thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao.
Trên thực tế, theo Liên đoàn Sử dụng lao động nước ngoài tại Malaysia (MEF), Malaysia luôn phải đối mặt với bài toán hóc búa về lao động nước ngoài. Dầu cọ - một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của quốc gia này với sản lượng xuất khẩu đứng thứ hai thế giới sau Indonesia - đã bị thiệt hai nghiêm trọng đến hơn 7 tỷ USD khi lao động nước ngoài về nước trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo thống kê, Malaysia đang thiếu hơn 72.000 lao động trong lĩnh vực nông trại và trồng rừng.
Tương tự như vậy, trong lĩnh vực xây dựng Malaysia cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng khiến các dự án xây dựng lớn bị chậm tiến độ. Ước tính lĩnh vực sản xuất đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực 40%. Các khách sạn đã nộp đơn đăng ký tuyển dụng lao động nước ngoài, nhưng hầu hết đều đang chờ xét duyệt mặc dù kênh tuyển dụng lao động nước ngoài đã mở đăng ký trở lại từ đầu năm 2022. Ngành công nghiệp nhà hàng, vốn thiếu gần 40.000 lao động, đang trong tình trạng báo động. Một số nhà hàng đã đóng cửa vĩnh viễn và một số khác đã phải đóng cửa chi nhánh.
Trước thực trạng nói trên, từ tháng 5/2022, Chính phủ Malaysia đã nâng lương tối thiểu cho người lao động từ 1.100 ringgit lên 1.500 ringgit, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó Malaysia sẽ phát triển một cổng thông tin về cung - cầu lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng lao động nước ngoài. Theo Bộ trưởng Nội vụ Saifuddin Nasution, Bộ Nội vụ và Bộ Nguồn nhân lực cũng sẵn sàng sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), vốn được đánh giá là minh bạch hơn, nhất là trong việc quản lý lao động nước ngoài theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế để làm công cụ hỗ trợ cho việc tuyển dụng nước ngoài một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất cho các bên.
Tuy nhiên, theo ông Thái Phúc Thành, lao động Việt đang có nhiều lựa chọn việc làm tốt hơn tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với có thu nhập cao hơn. Mặc dù vậy, Malaysia vẫn được xem một trong những thị trường top đầu của lao động phổ thông Việt Nam sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).