Hợp tác về công nghệ môi trường giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Hiroshima

Ngày 7/11, tại tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Hội thảo kết nối các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Hiroshima (Nhật Bản). Hội thảo nhằm mở rộng kết quả hợp tác về công nghệ môi trường giữa tỉnh Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hiroshima.

Qua hơn 2 năm hợp tác về công nghệ môi trường giữa tỉnh Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hiroshima, Nhật Bản, 6 lĩnh vực hợp tác giữa hai bên đã đạt hiệu quả cao và dự kiến sẽ được mở rộng ra toàn khu vực trong thời gian tới, như: Xử lý nước thải sinh hoạt, thiết bị lọc nước, hóa chất xử lý ao tôm, tái chế nhựa và phế liệu, lên men vỏ trấu và hóa chất đo nhanh các thông số môi trường nước. 

Khu Kinh tế Định An mới đầu tư được tuyến đường số 01, tuyến đường số 02 và cầu C16, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 10,2 km. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Tại hội thảo, các doanh nghiệp đến từ tỉnh Hiroshima, Nhật Bản, đã giới thiệu những sản phẩm, công nghệ tiêu biểu trong lĩnh vực môi trường như: Phân hữu cơ tái chế; thuốc cải thiện thổ nhưỡng sử dụng vỏ trấu; sản phẩm về phần mềm quản lý đường ống cấp thoát nước; công nghệ xử lý, thu hồi năng lượng và sản xuất nhiên liệu từ chất thải...

Ông Lê Hùng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có hệ sinh thái đa dạng, là vựa lúa, vườn trái cây lớn nhất đất nước, song cũng là khu vực đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Ông Dũng mong muốn, công nghệ, sản phẩm tiên tiến cùng kinh nghiệm của tỉnh Hiroshima nói riêng và đất nước Nhật Bản nói chung sẽ giúp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó tốt với tình hình biến đổi khí hậu để phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế của khu vực, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng.

Tại hội nghị, ông Sato Yoshio, Giám đốc Công nghiệp môi trường, Sở Thương mại, Công nghiệp và Lao động tỉnh Hiroshima đã giới thiệu những ngành công nghiệp thế mạnh và kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề về môi trường của tỉnh Hiroshima.

Ông Sato Yoshio đánh giá, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung đang phát triển kinh tế vượt bậc, song đi kèm đó là gia tăng gánh nặng lên môi trường. Vì vậy, thông qua việc giao lưu doanh nghiệp lần này, các doanh nghiệp tỉnh Hiroshima, Nhật Bản, sẽ hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giải quyết các vấn đề môi trường ở địa phương, phát triển quan hệ kinh doanh song phương và xây dựng quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hội thảo lần này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng với các công ty đến từ tỉnh Hiroshima trao đổi, hợp tác đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển theo hướng ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong đời sống và sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường trong tương lai.

Dịp này, các đại biểu, doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được tham quan một số mô hình công nghệ, sản phẩm về lĩnh vực môi trường của các công ty đến từ tỉnh Hiroshima. Doanh nghiệp hai bên cũng đã có nhiều thời gian trao đổi, giới thiệu và tìm hiểu về tiềm năng, sản phẩm, cũng như nhu cầu của các bên, để từ đó có thể tiến tới hợp tác trong thời gian tới.

Hoài Thu (TTXVN)
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển Cần Thơ
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển Cần Thơ

Trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ đã có nhiều cố gắng thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN