Mô hình "hũ gạo tình thương" trên địa bàn huyện Châu Thành A đã được hình thành 15 năm nay. Mười lăm năm qua, những "hũ gạo tình thương" của huyện đã nhận được trên 100.000 tấn gạo, trị giá cả tỷ đồng, giúp hàng ngàn lượt người nghèo, học sinh vượt qua hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Trong đó, phải kể đến mô hình "hũ gạo tình thương" của Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hòa, qua đó hàng chục hộ nghèo, khó khăn nhận được sự hỗ trợ hàng tháng.
Hôm nay, con dâu bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng (ngụ ấp 2A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A) ở nhà chăm sóc mẹ mà không đi bán cá viên chiên như mọi khi, đứa cháu cũng ở nhà không đi học. Trong khi con dâu đang dìu bà Hồng đi lại thì đứa cháu đi lấy gạo nấu nồi cơm chiều. Những hạt gạo từ “hũ gạo tình thương” của Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hòa giúp gia đình bớt hoàn cảnh bữa đói, bữa no.
Trong ngôi nhà cấp 4, thiếu trước hụt sau, nhất là từ khi người con trai duy nhất của bà Hồng qua đời, gia đình còn lại ba bà cháu, mẹ con rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Vì gia đình bà Hồng không có đất sản xuất, bản thân bà gần như mất khả năng lao động do mắc bệnh tiểu đường ngày một nặng. Con dâu đi bán cá viên chiên mưu sinh vừa nuôi bà, vừa lo cho đứa con nhỏ học lớp 5. Thế nhưng, con dâu đi bán mỗi ngày lời được mấy chục nghìn đồng không đủ trang trải chi phí. Bà Hồng tâm sự: Từ khi nhận được 10kg gạo hỗ trợ hàng tháng từ “hũ gạo tình thương”, tôi mừng lắm. Nó giúp gia đình bớt được phần nào chi phí, nhất là đứa cháu cũng bớt dần những ngày phải ăn mì gói thay cơm để đi học.
Ông Huỳnh Công Danh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hòa, người khởi xướng mô hình "hũ gạo tình thương" tâm sự: Từ ý nghĩa lời kêu gọi của Bác Hồ, tôi nghĩ muốn giúp đỡ người nghèo cần phải có sự đóng góp của nhiều người nên đã vận động một số nhà máy xay lúa trên địa bàn xã đặt "hũ gạo tình thương". Những người quyên góp gạo là người đến xay xát lúa và cả chủ nhà máy xay lúa. Đến khi hũ gạo đầy, chúng tôi đến gom lại để phát cho người nghèo, hộ dân gặp khó khăn đột xuất.
Ông Danh cho biết, Hội Chữ thập đỏ kiên trì thuyết phục, vận động để nhà hảo tâm góp gạo ủng hộ người nghèo. Cùng với đó, tại những nơi đặt "hũ gạo tình thương", Hội Chữ thập đỏ viết lời kêu gọi dán lên hũ gạo về ý nghĩa "lá lành đùm lá rách", nhờ đó ngay từ khi mới khởi xướng, những "hũ gạo tình thương" đã được nhiều người ủng hộ.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa, ấp 3A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành có nhà máy xay xát lúa. Từ khi nhà máy ra đời, chị đã đồng ý đặt “hũ gạo tình thương” để chung tay san sẻ khó khăn với người nghèo. Chị Hoa cho biết: Vợ chồng lập nghiệp trong hoàn cảnh khốn khó nên rất đồng cảm với những người nghèo. Có được gì thì mình cho cái đó, mỗi người đóng góp chỉ một chút thôi cũng đã giúp được phần nào cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Trần Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Thành A, từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình “hũ gạo tình thương” đã nhận được sự đồng tình, thu hút được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên cũng như đột xuất cho những địa chỉ nhân đạo, những gia đình khó khăn. Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện khá nhiều. Do đó, trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ huyện sẽ phối hợp Hội Chữ thập đỏ các xã tiếp tục duy trì mô hình "hũ gạo tình thương" và nâng số lượng, chất lượng hoạt động, kêu gọi thêm các nhà hảo tâm tham gia đóng góp.
Đến nay, toàn huyện Châu Thành A có 39 "hũ gạo tình thương" đặt tại các cơ sở xay xát gạo và các ấp, 14 "hũ gạo tình thương" đặt tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn nhằm giáo dục các em học sinh tinh thần "thương người như thể thương thân". Đó cũng là hành động thiết thực thực hiện tinh thần lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo".