Thông tin từ hiện trường, ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh cho biết, công trường ở cách xa khu vực thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sự cố sạt lở hàng chục km nên việc đưa máy móc, thiết bị khổ lớn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do mưa lũ chia cắt giao thông.
“Chúng tôi đã huy động 1 máy ủi và 9 máy đào khổ lớn từ công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên phối hợp cùng lực lượng chức năng để ứng cứu. Đến nay, đã có 3 chiếc tiếp cận đến nơi xảy ra sự cố sạt lở, số lượng xe ủi, máy xúc còn lại đang tiếp tục được đưa vào nơi xảy ra sự cố bằng phương tiện vận chuyển chuyên dụng”, ông Nguyễn Văn Quý cho hay.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, trong những ngày qua, mưa lũ đã ảnh hưởng nặng nề và gây thiệt hại lớn cho hai tỉnh khu vực miền Trung là Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đối với dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư) đi qua địa phận hai tỉnh này cũng chịu tác động lớn từ mưa lớn và lũ lụt.
Để chia sẻ khó khăn với chính quyền và đồng bào trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong những ngày qua, ngoài việc ứng trực đảm bảo an toàn cho dự án, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cán bộ tại hiện trường, nhà thầu đang thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn huy động máy móc, thiết bị san gạt các tuyến đường xung quanh khu vực bị sạt lở để người dân đi lại thuận tiện.
Đồng thời, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị thi công cũng đã tổ chức ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào trong khu vực để sớm ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã cử một Phó giám đốc ban trực tiếp vào công trường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn để chỉ đạo và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Ban đã chỉ đạo các cán bộ tại hiện trường cùng với các đơn vị thi công phải tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng lũ trong lúc khó khăn. Khu vực nào lũ rút, các đơn vị phải huy động ngay máy móc, thiết bị và nhân lực để hỗ trợ giúp đồng bào, nhất là việc đảm bảo an toàn cho bà con đi lại trên các tuyến đường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và sớm ổn định đời sống.
Như TTXVN đưa tin, khoảng 12 giờ ngày 12/10, người dân thông tin với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế về sự cố sạt lở đất tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, có khả năng ảnh hưởng đến các công nhân đang thi công; đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ.
Do mưa lũ làm hỏng hệ thống liên lạc nên thông tin về vụ lở đất không được cập nhật liên tục. Ngay sau khi nhận được thông tin, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã điều động lực lượng, phương tiện hỗ trợ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo trực tiếp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều động lực lượng chiến sỹ đặc công, ôtô, xe lội nước, ca nô, cuốc xẻng phối hợp với dân quân xã Phong Xuân tiếp cận hiện trường.
Tuy nhiên, do đường lên nhà máy thủy điện có nhiều đèo dốc bị sạt lở nghiêm trọng, trời tối và mưa lớn nên lực lượng công binh, quân sự cơ động chưa vào được hiện trường.
Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.