Ngày 17/5, UBND tỉnh Ninh Bình đã công bố kết quả xét nghiệm trên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
Sinh vật lạ xuất hiện trong nước sinh hoạt tại một số hộ dân ở thành phố Ninh Bình đang được cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Ảnh: Hải Yến-TTXVN
|
Theo văn bản trả lời của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, đây là ấu trùng của côn trùng thuộc bộ 2 cánh Diptera, họ Psychodidae, giống Psychoda, tuy nhiên chưa xác định được loài của ấu trùng này.
Côn trùng trưởng thành sống ngoài thiên nhiên, đẻ trứng trong nước, ấu trùng thường sống trong các bể nước không được đậy kín, ăn các chất hữu cơ có trong nước. Về mặt y học, ấu trùng của nhóm côn trùng này không có tác hại gì cho sức khỏe con người, chúng có thể sử dụng làm thức ăn cho cá.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành hữu quan, đặc biệt là đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiếp tục kiểm tra, xem xét để tìm ra nguyên nhân do đâu xuất hiện loại ấu trùng này trong nước sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Ninh Bình để khắc phục.
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, quy trình sản xuất nước của các nhà máy nước thực hiện theo đúng tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 33:2006 của Bộ Xây dựng, có cán bộ kỹ thuật vận hành.
Đến thời điểm hiện tại không phát hiện ấu trùng tại bể chứa nước thành phẩm của các nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Ninh Bình gồm Công ty Cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Thành Nam và Công ty Cổ phần Địa ốc VSG; không phát hiện ấu trùng trong đường ống cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn mà chỉ phát hiện ấu trùng trong các dụng cụ chứa nước của nhiều hộ dân.
Theo ông Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, công tác đảm bảo vệ sinh nội ngoại cảnh của các nhà máy thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, tại Nhà máy nước Ninh Bình, khu thu nước nguyên liệu tại bờ sông Đáy không đảm bảo vệ sinh như: Bể thu không có nắp, không có rào chắn bèo rác, không có biển báo theo quy định.
Cũng tại nhà máy này, tại bể chứa nước thành phẩm có bùn đất và cặn lắng dưới đáy bể, chỉ số pecmangannat (chỉ số hữu cơ) lấy tại đáy bể cao hơn ở nước mặt của bể.
Căn cứ kết luận kiểm tra quy trình sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn thành phố Ninh Bình, đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị Nhà máy nước Ninh Bình thực hiện khẩn trương việc vệ sinh sạch đáy bể chứa nước thành phẩm của nhà máy, xả sục đường ống dẫn nước từ bể chứa nước thành phẩm của nhà máy tới các hộ dân; tăng cường kiểm tra mạng lưới đường ống cấp nước, kịp thời phát hiện vị trí vỡ hoặc rò rỉ (nếu có) để kịp thời xử lý tránh gây tái ô nhiễm nguồn nước.
Đặc biệt, đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị các nhà máy nước phải bổ sung Clo hoạt tính tại trung gian hệ thống đường ống cấp nước cho các khách hàng sử dụng, để đảm bảo tại bể chứa nước của khách hàng có lượng Clo dư đạt từ 0,3 đến 0,5 mg/lít.
Đoàn kiểm tra liên ngành cũng khuyến cáo các hộ dân thường xuyên thau rửa bể nước, các dụng cụ chứa nước, đậy kín nắp bể chứa để tránh ô nhiễm môi trường, tránh tình trạng côn trùng xâm nhập và đẻ trứng vào bể.
Trước đó, nhiều hộ dân ở 7/10 phường thuộc địa bàn thành phố Ninh Bình phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt do công ty cung cấp thời gian gần đây xảy ra một số hiện tượng như xuất hiện “sinh vật lạ” có hình dạng nhỏ, dài, màu đỏ, đen và nước có cặn lắng…
Ngày 13/5, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cùng đoàn kiểm tra liên ngành (bao gồm Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an...) đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình, Nhà máy nước thành phố Ninh Bình và các đơn vị có liên quan để xác minh, làm rõ những phản ánh của người dân trên địa bàn thành phố Ninh Bình về chất lượng nguồn nước sinh hoạt do Công ty Cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình cung cấp.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu công ty phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của sự việc trên, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để có biện pháp xử lý, giải quyết, khắc phục kịp thời, tránh gây nên tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sức khỏe của người dân.