Tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, anh Đức Hoàng sau khi làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tháng thứ 3 đã liên hệ với Sàn giao dịch việc làm Hà Nội để tìm kiếm việc làm ổn định hơn. “Tôi có học nghề điện và do một số lý do nên tôi có nghỉ việc trước Tết. Dịp tết vừa qua tôi có làm việc bán thời gian để có thêm thu nhập giúp gia đình. Tuy nhiên, từ tháng 2, tôi muốn có công việc ổn định hơn, có các chế độ bảo hiểm, phụ cấp. Qua sàn giao dịch việc làm Hà Nội cũng đã giới thiệu một số công việc liên quan đến cơ diện nhưng phải làm việc ở một số dự án xung quanh Hà Nội nên tôi đang cân nhắc thêm”, anh Đức Hoàng chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Nhung, kế toán, cũng đến sàn giao dịch việc làm tìm hiểu thêm thông tin tuyển dụng để tìm kiếm công việc sau Tết sau khi kết thúc khoá học nghiệp vụ nâng cao. “Ngoài sàn việc làm Hà Nội, tôi cũng ứng tuyển trên một số mạng tuyển dụng nhân sự. Hiện đã có thông tin giới thiệu nhưng hiện tôi đang so sánh về điều kiện và chế độ đãi ngộ”.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Sàn giao dịch việc làm Hà Nội hoạt động trở lại từ 30/1; các phiên giao dịch việc làm chuyên đề sẽ tổ chức thường xuyên vào tháng 2, trong đó sẽ có những phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho thanh niên.
Theo ghi nhận của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện thị trường lao động Hà Nội vẫn duy trì được tính ổn định. Tuy nhiên, Trung tâm sẽ tiếp tục thu thập thông tin để nắm bắt, đánh giá mức độ ảnh hưởng của tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị khó khăn đến thị trường lao động. Từ đó, sẽ có kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên việc làm online phù hợp với các nhóm đối tượng.
Trước đó, trong năm 2022, đơn vị này đã tổ chức được 262 phiên giao dịch việc làm, qua đó đã có 125.000 lượt người lao động được tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động, đạt 114,2%; đã có hơn 55.000 lượt người lao động được kết nối, phỏng vấn; 19.503 người lao động được tuyển dụng tại phiên. Bên cạnh đó, có 62.911 lượt người lao động được giới thiệu việc làm; 21.8 người lao động được kết nối, tuyển dụng.
Trong năm 2023 thành phố đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động trên địa bàn, tăng 2.000 người so với năm 2022 (năm 2022 mục tiêu tạo việc làm cho 160.000 lao động). Ông Vũ Quang Thành cho biết: Trong năm 2023, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm chung của thành phố, căn cứ những đánh giá về thị trường lao động trong thời gian tới, đặc biệt sau thời gian nghỉ Tết để tiếp tục nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tổ chức đồng bộ trên toàn hệ thống các điểm sàn.
Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, nét nổi bật của thị trường lao động sau Tết là các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh vào năm 2023. Đây là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp.
Tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong quý 1/2023 có 11.550 vị trí việc làm mới tập trung ở các ngành nghề: lao động phổ thông, da giày - may mặc, chế tạo - chế biến, dịch vụ, kế toán - kiểm toán,…
Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; cung lao động còn nhiều bất cập; số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Việc kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề.
Bên cạnh đó, tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước; cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa được cập nhật thường xuyên, có độ trễ lớn.
Trong những tháng cuối năm 2022, bên cạnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu hẹp đơn hàng khiến khoảng 53.000 lao động mất việc thì các doanh nghiệp khác vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động là trên 350.000 người, đặc biệt là lao động kỹ thuật.
Trước những bối cảnh đó, Bộ LĐTBXH sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.
Bên cạnh đó, sẽ tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm (chi phí đi lại, thông tin tuyên truyền...).
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng cho rằng ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Người lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì họ có thể quay trở lại làm việc.