Trong sáng 14/11, lũ trên sông Kôn tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh ở mức 7,6 m, dưới báo động 3 là 0,4 m, sau xuống chậm; sông Vệ tiếp tục xuống chậm và dao động ở trên mức báo động 2.
Trong tối 14/11, lũ trên sông Kôn tiếp tục xuống chậm và dao động ở trên mức báo động 2, sông Vệ tiếp tục xuống. Từ đêm 13/11 đến ngày 15/11, trên các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Nam, Phú Yên và Khánh Hòa lên mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2; các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, tính đến 19 giờ ngày 13/11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như: Núi Thành 64,4 mm, Xuân Bình 49,6 mm, Trà Kót 46 mm (Quảng Nam); Lưu vực hồ Núi Ngang 183,4 mm, Phổ Phong 183 mm, Ba Cung 148,6 mm, Ba Tơ 148,2 mm, Sơn Kỳ 102,6 mm (Quảng Ngãi); Nghĩa Điền 171,4 mm, An Nhơn 171,4 mm, An Hòa 146,7 mm (Bình Định); Xuân Lộc 80 mm, Xuân Bình 77,6 mm (Phú Yên); Pờ E 46,8 mm, Ngọc Tem 39,4 mm (Kon Tum); Hồ An Khê 45,2 mm, Nghĩa An 36,6 mm (Gia Lai)...
Dự báo sáng sớm 14/11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa các tỉnh từ Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai phổ biến từ 20-40 mm, có nơi trên 80 mm; tỉnh Quảng Ngãi phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 200 mm, tỉnh Bình Định phổ biến từ 60-120 mm, có nơi trên 250 mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, khu đô thị tại các tỉnh: Núi Thành, Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ, Thăng Bình, thành phố Hội An (Quảng Nam); thị xã Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi, Ba Tơ (Quảng Ngãi); An Lão, thị xã Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, thị xã An Nhơn, Tuy Phước; thành phố Quy Nhơn (Bình Định); Đồng Xuân, thị xã Sông Cầu, Tuy An, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên); thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh (Khánh Hòa). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những phương án cụ thể để phòng tránh; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em. Mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh; thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của nhân dân trong thời gian có lũ quét...
Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: Mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.