Mặc dù đã được điều chỉnh bởi quy định của Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn về quản lý tài nguyên khoáng sản; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khoáng sản, riêng năm 2017 có tới 3 hội nghị họp bàn về giải pháp ngăn chặn hoạt động cát, sỏi lòng sông trái phép nhưng do khoáng sản cát, sỏi lòng sông có đặc thù dễ khai thác, vốn đầu tư không nhiều, thị trường rộng nên việc ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép gặp nhiều khó khăn, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Trong khi đó, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực khoáng sản tại các địa phương về số lượng, chuyên môn; kinh phí, phương tiện, thiết bị cho thanh tra chuyên ngành về khoáng sản còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản tại một số địa phương chưa cương quyết, chưa đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe. Do đó tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn nhiều địa phương, nhất là cát, sỏi vẫn chưa chấm dứt. Đặc biệt là tại khu vực giáp ranh địa giới hành chính trên sông giữa các địa phương, trong năm 2017 vẫn còn trên 20 tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.
Để lập lại trật tự kỷ cương trong khai thác tài nguyên khoáng sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Đỗ Cảnh Dương cho biết, Tổng cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý nhà nước và hoạt động khoáng sản, nhất là việc cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông ở các địa phương. Kiên quyết xử lý theo quy định của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP đối với các hành vi khai thác khoáng sản gây tổn thất lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; gian lận trong kê khai, thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.
Mặt khác, Tổng cục phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc xây dựng, ban hành quy chế phối hợp và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh là địa giới hành chính, xử lý kịp thời các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành khoáng sản được đẩy mạnh. Có sự phối hợp hiệu quả hơn trong tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Tổng cục tổ chức thực hiện chặt chẽ phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Theo đó, kiên quyết xử lý và kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp khi thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (đặc biệt đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông) kéo dài mà không xử lý, việc khai thác trái phép gây hậu quả nghiêm trọng (thất tài lớn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm lớn tới môi trường).
Tuy vậy, một số địa phương cũng đã có sự phối hợp trong phòng chống nạn "cát tặc". Tiêu biểu như tháng 6 vừa qua, ba tỉnh là Thái Bình, Hà Nam và Hưng Yên đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh, tập trung bàn biện pháp phòng, chống khai thác cát trái phép trên các tuyến sông giáp ranh giữa ba tỉnh.
Qua đánh giá tình hình thực tế, UBND ba tỉnh thống nhất chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, xác định mốc giới để làm cơ sở cho công tác cấp phép, kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh. Rà soát, thống nhất về chế độ khai thác, thời gian khai thác, giá cát của các mỏ tại địa bàn giáp ranh để phòng ngừa cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp khai thác.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết rút giấy phép khai thác đối với đơn vị vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, đã bị cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu khắc phục nhưng không thực hiện. Công an ba tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, khu vực giáp ranh thực hiện nghiêm quy chế giữa Công an của ba tỉnh về việc phối hợp trong đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh trên tuyến sông Hồng.
Dự thảo Nghị định về quản lý cát, sỏi lòng sông đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét. Theo đó, việc khai thác cát, sỏi dưới lòng sông đều phải đấu giá 100% và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng các loại khoáng sản sản xuất nhân tạo thay thế cát tự nhiên, nghiêm cấm sử dụng cát, sỏi vào san lấp, cải tạo mặt bằng.