Khu bia tượng niệm có diện tích rộng gần 1.000 m2 gồm khu nhà bia tưởng niệm chung, các bia đá khắc tên, quê quán của từng liệt sĩ, hệ thống mái che và bàn ghế đá, khuôn viên cây xanh. Kinh phí thực hiện công trình do Bộ tư lệnh Quân khu 5, Ban liên lạc Trung đoàn 31, các mạnh thường quân tham gia đóng góp xây dựng.
Vào những năm 1964, 1965 ở các xã vùng Tây của huyện Nông Sơn (Quảng Nam), quân Mỹ, ngụy dựa vào các điểm cao đưa quân chiếm đóng, xây dựng trận địa kiên cố cụm cứ điểm Trung Phước. Địch dồn dân lập ấp chiến lược, dựng lên bọn tề ngụy ác ôn quản thúc nhân dân hòng đàn áp, tiêu diệt phong trào cách mạng.
Đầu tháng 10/1966, Bộ tư lệnh Sư đoàn 2, Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 31 tấn công tiêu diệt cụm cứ điểm Trung Phước để hỗ trợ phong trào cách mạng của địa phương, phá thế kìm kẹp của địch, giải phóng người dân về quê cũ làm ăn.
Trong 3 ngày, từ 17-19/10/1966, bằng nhiều cách tấn công địch sáng tạo, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 31 và lực lượng địa phương đã tiêu diệt hoàn toàn Đại đội 708 và Đại đội 3, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 51 ngụy; loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn lính Mỹ, ngụy; phá hủy nhiều vũ khí, khí tài quân sự của địch. Tuy nhiên, lực lượng của ta cũng bị thiệt hại lớn, có 500 đồng chí hy sinh, trong đó trên 240 đồng chí hy sinh được đưa về an táng lần đầu tại khu vực Hóc Thượng, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn.
Đầu những năm 1990, hơn 120 hài cốt liệt sĩ của Trung đoàn 31 tại khu vực Hóc Thượng đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn. Số còn lại vẫn chưa được tìm thấy do địa hình tự nhiên thay đổi và quá trình xây dựng hồ thủy lợi của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Châu Khắc Tạo, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5 khu vực tỉnh Quảng Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước xúc động cho biết: Khu nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 31 là một công trình văn hóa tâm linh, đáp ứng mong mỏi của đồng chí, đồng đội, thân nhân các gia đình liệt sĩ muốn có một nơi tưởng niệm khang trang để tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, đây cũng là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.