Bao đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “bỗng dưng” dự án “rơi” xuống đúng phần đất của mình, không ít nông dân “bỗng dưng” trở nên giàu có, nhưng cũng có người lâm vào cảnh khó khăn, phải đi làm thuê, làm mướn.
Bài 2: May rủi từ những dự án
“Khóc”... vì dự án
Xã Bình Hưng có hơn 1.374 ha đất nông nghiệp, nhưng tới 980 ha nằm trong qui hoạch dự án Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh, cùng với 31/39 dự án khu dân cư mới. Phần diện tích còn lại được thành phố phân bố địa điểm xây dựng 7 dự án, trong đó có dự án nhà máy xử lý nước thải, dự án đường Chánh Hưng nối dài...
Trong lúc các dự án chưa triển khai, UBND xã vận động nông dân tiếp tục sản xuất; tuy nhiên, do người dân luôn mang tâm trạng đất đã nằm trong vùng quy hoạch, không biết thu hồi lúc nào nên không yên tâm sản xuất. Tình trạng đất hoang vì thế ngày càng tăng.
Đất nông nghiệp bị phân tầng: Để hoang, trồng lúa và nhà máy ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Thuyết - Yên - Tuyết |
Có lẽ bức xúc nhất là hơn 300 hộ dân trong quy hoạch của dự án Khu sinh thái văn hóa - Hồ Vĩnh Lộc thuộc huyện Bình Chánh. Đây là dự án “Khai hoang cải tạo đất hoang hóa trũng phèn” ở các xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B để xây dựng Khu văn hóa - Hồ Vĩnh Lộc.
Tuy nhiên, dự án đã “treo” đúng 15 năm (1995-2010) và trải qua 4 lần thay đổi chủ đầu tư vẫn chưa triển khai, khiến hơn 423 ha đất lúa bị bỏ hoang hết vụ này đến vụ khác. Và cũng vì thuộc vùng quy hoạch, mà nhà cửa của dân thuộc ấp 5, xã Vĩnh Lộc B bị hư hỏng nặng cũng không được phép xây sửa. “Các cột kèo bị mối mọt ăn hết, nhà sắp sập đến nơi cũng không thể xây được, chỉ vì quy hoạch “treo”. Người dân đang sống chung với nỗi lo sợ” - bà Hồ Thị Út, một hộ dân ở đây bức xúc.
Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM, lo lắng: Với tốc độ phát triển các dự án như hiện nay, sẽ còn có thêm nhiều xã khác và nhiều nông dân tiếp tục không còn một tấc đất ruộng để trồng rau màu, ngô, lúa. Rồi những người nông dân sẽ làm gì kiếm sống khi không còn đất ruộng sản xuất?
Khi đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án, ông Hồ Văn Năm ở Bến Lức (Long An) đã đi thuê lại đất của người khác để gieo cấy lúa. Ông cho biết: “Do ruộng đất bị thu hồi để làm KCN nên không còn đất sản xuất. Mỗi năm tôi mất 7 triệu đồng thuê 1 ha đất để canh tác, nếu không tính toán kĩ thì coi như nắm chắc phần lỗ”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Ngó ở ấp 4, xã Long Hậu (Cần Giuộc, Long An) được các công ty đền bù khoảng 400 triệu đồng, ông liền mua 3 xe máy cho 3 con trai và không tìm cách làm ăn nữa mà chỉ ở nhà “hưởng thụ”. Những gia đình khác như ông Út Tôn, ông Bé Ba, bà Chín, ông Huỳnh Văn Thanh… nhận tiền đền bù hàng trăm triệu đồng và chỉ chưa đầy 2 năm đã trắng tay.
Không chỉ vậy, có người đã bán luôn nền nhà tái định cư, mặc dù chỉ mới “trên giấy”! Ông Bé Ba, ở ấp 3, cho biết: “Sau khi giải tỏa, tôi được 3 nền tái định cư. Kinh tế khó khăn nên đã cắt bán 2 nền. Giờ chỉ còn 1 nền mà không tiền cất nhà, trong khi gia đình tới 10 nhân khẩu”.
Còn bà Tạ Thị Quỳnh (ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM), trong dự án KCN Tân Phú Trung, cho biết: “Toàn bộ ruộng đất vô quy hoạch. Chủ đầu tư đền bù được 1,6 tỉ đồng. Cầm tiền chưa được bao lâu thì thằng con trai trở chứng chơi cá độ đá banh, tiền “bay” gần hết. Còn lại vài trăm triệu đồng, tôi mua miếng đất nhỏ và chữa bệnh thận cho nó, giờ coi như trắng tay”.
Báo cáo tại kì họp thứ 25 HĐND tỉnh Long An khóa VII cũng đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động: Xuất hiện tình trạng khiếu nại tố cáo tập thể trên địa bàn tỉnh do chủ đầu tư các dự án như KCN xã Nhị Thành (Thủ Thừa), KCN Nhựt Chánh (Bến Lức), KCN Xuyên Á (Đức Hòa), KCN An Nhựt Tân (Tân Trụ) chưa có phương án tái định cư, định canh phù hợp khi thu hồi đất, gây bức xúc trong nhân dân.
“Cười”... nhờ dự án
Bác Sáu Thắng, một lão nông cao tuổi ở xã Đức Hòa Hạ (Đức Hòa, Long An) nhận xét: “Tui thấy việc phát triển các KCN ở vùng này cũng giúp một số hộ khá hơn, mặc dù cũng có không ít gia đình khi có tiền đền bù chỉ mải lo ăn chơi, không lo mần ăn tiếp. Nhưng nhìn chung, tôi thấy đời sống người dân đã khác trước rất nhiều”.
Có lẽ nhận xét của bác Sáu Thắng là chính xác, bởi trước thời điểm năm 2000, Đức Hòa Hạ còn là vùng đất bưng nhiễm phèn chua nặng. Đất ở đây hoặc bỏ hoang hoặc lau sậy, hoặc cỏ năng, lác mọc cao quá đầu người.
Những diện tích gieo cấy được cũng chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, mà theo bác Sáu là “năng suất cao nhất chỉ 2 tấn/ha”. Bây giờ trở lại, toàn bộ Đức Hòa Hạ đã được lấp đầy bởi các nhà máy, KCN... , đường nhựa phẳng lì vào sâu tận trong đồng. Nhà cửa đã san sát và những căn nhà lá tạm bợ, xập xệ trước kia được thay thế bằng nhà tường, thậm chí là nhà lầu.
Hơn nữa, giá trị đất ở khu vực này từ chỗ cho không không ai nhận nay đã “có giá trị” từ 30-50 triệu đồng/ha (đất đền bù) thời điểm năm 2000 và hiện giờ là gần 1 tỷ đồng/ha. Chính vì giá đất tăng, những người dân ở đây, nếu còn đất, cũng đã sang nhượng để tạo một số vốn cho việc làm ăn. Nhiều hộ đã “đổi đời” bằng cách này.
Để đánh giá tác động của việc mất đất sản xuất đối với người nông dân, năm 2009, Tiến sĩ Hồ Cao Việt và nhóm nghiên cứu ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã thực hiện đề tài khoa học “Đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường đối với đời sống nông dân trong quá trình công nghiệp vùng Long Thành và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai”.
Theo kết quả khảo sát, đời sống của nhân dân ở đây đã được cải thiện đáng kể: Khoảng 21% hộ có giá trị nhà ở dưới 100 triệu đồng, 50% hộ có nhà giá trị từ 100 đến 300 triệu đồng và khoảng 15% hộ có nhà trị giá trên 500 triệu đồng. Tỷ lệ nhà cửa khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi chiếm tới 42% số hộ…
Không thể phủ nhận những lợi ích mà quá trình công nghiệp hóa đã mang đến cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, cũng không phải nơi nào rơi vào dự án người dân đều “cười” cả. Ông Dương Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân TP.HCM, cho biết: Khảo sát thực tế tại nhiều quận, huyện ngoại thành, chúng tôi cảm thấy xót xa khi đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn do không còn ruộng để sản xuất vì đất bị đưa vào quy hoạch, đô thị hóa, ô nhiễm..
. Buồn hơn khi không chỉ nông dân có ruộng vô quy hoạch phải ngừng sản xuất mà cả những nông dân quanh đấy cũng bị tác động kéo theo mà đua nhau bán đất, lấy tiền tiêu xài rồi không biết xoay đồng vốn, chuyển đổi nghề thế nào.
Mới đây, sau 10 năm, chúng tôi trở lại thăm những hộ dân từng bán ruộng đất vì chịu tác động của tốc độ đô thị hóa ở một số phường thuộc quận Bình Tân, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy đa số họ nghèo trở lại, có gia đình phải mướn nhà trọ ngay trên mảnh đất trước kia của mình. Các chính sách hỗ trợ cho nông dân có đất bị thu hồi như tái định cư, chuyển đổi nghề cần xem xét lại.
Thuyết - Yên - Tuyết
Bài 3: Gian nan đổi nghề