Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, ngày 7/1, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Nam Trực nhận được thông tin, có 2 trong tổng số 11 con bò của gia đình ông Đặng Văn Thiếu (ở xóm 9) và 2 trong tổng số 5 con bò của gia đình ông Phan Văn Khánh (ở xóm Dứa), xã Hồng Quang có hiện tượng nổi u cục ở da dầu, cổ, yếm, giảm ăn.
Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho thấy, 2/2 mẫu bệnh phẩm này nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Đây là lần đầu tiên bệnh này được phát hiện trên đàn bò tại Nam Định.
Ngày 17/1, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện Giao Thủy và Vụ Bản báo cáo phát hiện bò của hai hộ chăn nuôi thuộc xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy và xã Minh Tân, huyện Vụ Bản có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục.
Cụ thể, 4 trong tổng số 9 con bò của gia đình ông Phạm Văn Vượng, xóm 25, xã Giao Thiện có biểu hiện nổi cục ở da đầu, cổ, bụng, yếm; 1 trong tổng số 2 con bò của gia đình ông Phạm Văn Tài, thôn Ngăm Hạ, xã Minh Tân bị nổi u cục ở da toàn thân. Hiện tại bò mắc bệnh không sốt, các triệu trứng bệnh đã giảm.
Ngay sau khi phát hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch trên địa bàn; tổ chức tiêu hủy 1 con bê mắc bệnh nặng của gia đình ông Đặng Văn Thiếu (xóm 9, xã Hồng Quang).
Tại các hộ có bò mắc bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hướng dẫn người dân thực hiện nuôi nhốt, cách ly triệt để đàn bò mắc bệnh, không cho ra bãi chăn thả chung, không bán chạy, giết mổ bò bị bệnh; vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi; thu gom và xử lý chất thải bằng cách ủ với vôi bột hoặc chôn, rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, lối đi lại, phun thuốc khử trùng khu vực chuồng nuôi 1 lần/ngày; diệt ve, côn trùng, ruồi, muỗi để loại bỏ tác nhân lây bệnh.
Để ngăn chặn bệnh lây lan, các địa phương có vật nuôi mắc bệnh thông báo rộng rãi tình hình bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh lây lan; rà soát chặt chẽ tổng đàn trâu, bò, giám sát dịch bệnh đến các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ trâu bò.
Khi phát hiện trâu bò có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục, các hộ chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh.
Trong trường hợp bò mắc bệnh nặng, chết phải tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ không cho vận chuyển trâu bò ra khỏi vùng đang có dịch bệnh, tạm dừng giết mổ, buôn bán sản phẩm trâu bò trong thời gian có dịch.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định hướng dẫn các hộ chăn nuôi trâu bò thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, không chăn thả trâu bò ra khu vực có dịch, thường xuyên diệt côn trùng ký sinh trên trâu bò và trong khu căn nuôi...
Theo các chuyên gia về Chăn nuôi và Thú ý, viêm da nổi cục là loại bệnh mới chỉ xuất hiện trên trâu bò, không lây sang người và động vật khác. Dịch xảy ra theo mùa, lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: ruồi, muỗi, ve; thông qua vận chuyển từ vùng có dịch, do sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn.
Trâu bò mắc bệnh có biểu hiện sốt cao, giảm ăn, giảm tiết sữa, da nổi những nốt sần, cục khoảng 1 - 5 cm, thường xuất hiện đầu tiên ở vùng cổ, đầu...
Để phòng tránh bệnh viêm da nổi cục, các hộ chăn nuôi có thể sử dụng vắc xin để phòng bệnh cho trâu bò; thường xuyên sử dụng thuốc diệt côn trùng; không để nước tù, đọng, phân rác ô nhiễm tránh côn trùng sinh sản; chỉ mua con giống từ những cơ sở tin cậy, tăng cường chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi.