Không để người dân thiếu phương tiện về quê dịp Tết

Những ngày giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu là thời điểm nhu cầu vận tải tăng cao và nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) luôn tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Ngành Giao thông đang tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải.

Giám sát chặt doanh nghiệp vận tải

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, để đảm bảo hạn chế thấp nhất tình trạng tăng giá vé trái quy định, “xe dù, bến cóc” trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021, Bộ đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT các địa phương kiểm tra kế hoạch phục vụ Tết tại các bến xe, cảng hàng không, bến tàu, không để bất kỳ người dân nào thiếu xe về quê dịp Tết. Trong đó, tập trung vào giám sát chặt giá dịch vụ, giá vé vận tải, ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải không tăng giá vé...

Chú thích ảnh
Không để người dân thiếu phương tiện về quê dịp Tết.

“Bộ GTVT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất hoạt động vận tải tại một số doanh nghiệp, bến xe trọng điểm, tránh tình trạng xe không đảm bảo chất lượng, nhồi nhét hành khách... Nếu cần thiết, Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo Giám đốc Sở GTVT thực hiện”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

Liên quan đến thực hiện nghiêm các quy định mới của pháp luật, trong tuần tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các đơn vị sẽ gửi công văn tuyên truyền, hướng dẫn các Sở GTVT, doanh nghiệp vận tải thực hiện các quy định mới của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Trao đổi vấn đề này, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng Bộ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết và mùa Lễ hội Xuân, lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong các dịp nghỉ lễ, Tết và công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... các Sở GTVT hiện đã xây dựng kế hoạch tăng cường tối đa phương tiện hiện có phục vụ đi lại của người dân, tăng cường giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải.

An toàn là ưu tiên hàng đầu

Thực tế, lái xe có vai trò quan trọng nhất trong hoat động vận tải. Đối với đường bộ chỉ trong tích tắc có thể xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải có các giải pháp đảm bảo sức khỏe, các biện pháp phòng ngừa các yếu tố tác động đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kỹ năng lái xe như: Ma túy, rượu bia. Hiện, trên phương tiện đã có thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát, quản lý giám sát người điều khiển phương tiện để giảm nguy cơ lái xe gây mất an toàn.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, vận tải trước, trong và sau dịp Tết là công việc thường xuyên của các Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT phải tạo điều kiện đi lại thuận tiện nhất cho người dân và chấp hành các quy định an toàn về vận tải. Với mục tiêu không để người dân thiếu phương tiện về quê dịp Tết và an toàn tính mạng, tài sản cho người dân là ưu tiên số một, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan phân luồng, hướng dẫn đảm bảo trật tự ATGT ở các trạm thu phí, các tuyến đường cửa ngõ các thành phố lớn; đồng thời, thông báo trên các phương tiện truyền thông các giờ cao điểm, khuyến cáo để chủ phương tiện điều chỉnh thời gian di chuyển.

Thực hiện các công điện của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành đối với vận tải phục vụ trong dịp Tết, Bộ GTVT cũng đang tăng cường quản lý sử dụng hệ thống kết cấu hạ tầng an toàn, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương sửa chữa các hư hỏng đường xá, đảm bảo êm thuận, rà soát hệ thống cọc tiêu, biển báo và xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đối với phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân, Bộ GTVT chỉ đạo các Sở GTVT tăng cường truyền thông về trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp và lái xe.

“Năm 2021 có điểm mới là lực lượng công an chính quy đã được bố trí từ cơ sở xã, phường, thị trấn. Tất cả các tuyến đường ở cấp xã sẽ được tuần tra, kiểm soát chặt chẽ. Đối với lái xe, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, trước khi điều khiển phương tiện, lái xe phải kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện. Bên cạnh đó, việc kiểm soát lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy cũng được coi trọng. Trách nhiệm này trước hết thuộc chủ doanh nghiệp, sau đó bản thân lái xe phải nhận thức”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Đối với hàng không, đường sắt, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam chủ động kế hoạch bố trí phương tiện đón trả khách ở các cảng hàng không, nhà ga; tổ chức kết nối với đường bộ để giải tỏa khách phù hợp, với tinh thần đến 30 Tết không còn hành khách nào không có phương tiện về quê ăn Tết.
Vân Sơn/Báo Tin tức
Từ 15/12, triển khai cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết 2021
Từ 15/12, triển khai cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết 2021

Theo Cục Cảnh sát giao thông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, từ ngày 15/12/2020 - 28/2/2021, Cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ triển khai cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN