Không gian công cộng thủ đô và sự đáng sống của Hà Nội

Không gian công cộng của thủ đô Hà Nội đang dần nhường chỗ cho nhiều công trình hiện đại, gây nên tình trạng đã khan càng thêm hiếm. Trước thực trạng này, nhiều người đặt ra câu hỏi điều gì thực sự khiến Hà Nội là nơi đáng sống?

KTS Phạm Thúy Loan tại buổi trao đổi về không gian công cộng và thành phố đáng sống.

Diễn thuyết về chủ đề “Diện mạo nào cho một đô thị đáng sống” tại British University Vietnam (193 Bà Triệu - Hà Nội) trong buổi giới thiệu cuốn sách “Public Places - Urban Spaces: The Dimensions of Urban Design” của các tác giả Matthew Carmona, Tim Heath, Taner Oc và Steven Tiesdell (tạm dịch: Nơi chốn công cộng - Không gian đô thị: Những khía cạnh của thiết kế đô thị), chuyên gia hàng đầu về quy hoạch đô thị PGS, KTS Phạm Thúy Loan, Viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng chiều 25/2 chia sẻ quan điểm về không gian công cộng trong tổng thể của một thành phố đáng sống.

Quan trọng nhưng bị lãng quên

Dẫn định nghĩa “Thiết kế đô thị là quá trình kiến tạo ra các nơi chốn có chất lượng cho con người”, KTS Phạm Thúy Loan nhấn mạnh, bản thân từ “nơi chốn”, chứ không phải là “không gian” hay “địa điểm” đã hàm chứa một thông điệp về mặt cảm xúc, được cá nhân dành cho một không gian cụ thể có hoạt động của con người.

Điều này có nghĩa là, một thành phố hấp dẫn hơn, có giá trị hơn khi có nhiều “nơi chốn” hơn, những nơi gắn với tình cảm của cộng đồng. “Đó đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng trong thiết kế đô thị: Mong muốn tạo ra một nơi chạm được cảm xúc của con người, dành cho con người”, KTS Phạm Thúy Loan cho biết.

Theo KTS Phạm Thúy Loan, dù là những “nơi chốn” để con người trải nghiệm thành phố, song không gian công cộng lại đang là phần không gian ít được quan tâm nhất, còn lại sau khi các tòa nhà được dựng lên, ngày càng bị lãng quên và ít đi. Ở Hà Nội, khu nhà Art-deco 22A Hai Bà Trưng sẽ nhường chỗ cho một trung tâm mua sắm. Khu triển lãm Giảng Võ sẽ được thay thế bằng các toà tháp cao đến 50 tầng…

“Khi kiến tạo thành phố chúng ta không kiến tạo ra các khối vật chất vô hồn mà phải kiến tạo xã hội, các cộng đồng dân cư có sự yêu thương chia sẻ, đồng lòng, đấu tranh, đó mới là đích của quy hoạch đô thị”, KTS Phạm Thúy Loan phát biểu. Và nếu nhìn từ khía cạnh kiến tạo xã hội này, việc xây dựng các căn hộ cao cấp đóng kín là một sự thất bại.

Một trong những chiều cạnh thiết kế đô thị được giới thiệu trong cuốn sách là cảm thụ môi trường, nghiên cứu khi đứng trong một không gian con người cảm thấy điều gì. KTS Phạm Thúy Loan đánh giá việc hiểu tâm lý của con người khi xử lý tín hiệu môi trường mở ra nhận thức mới trong lĩnh vực thiết kế: Chúng ta cần quan tâm hơn đến người sử dụng thay vì tư duy áp đặt.

Người dân thủ đô phải sáng tạo trong tình cảnh không gian công cộng Hà Nội thiếu và yếu.

Sống trong tình trạng thiếu không gian công cộng, người dân thủ đô đang phải học cách sáng tạo tại những không gian còn có thể tiếp cận, vừa để phục vụ nhu cầu bản thân như thể dục thể thao, vừa làm sân chơi cho trẻ nhỏ. “Chúng ta không chuẩn bị cho người dân những không gian xứng đáng để người dân luyện tập thể thao và họ phải sáng tạo ra những không gian như vậy. Nếu nhìn từ góc độ người kiến tạo thành phố, điều này là chưa đủ”, KTS Phạm Thúy Loan khẳng định.

Phát triển trong đa dạng

Theo đánh giá của KTS Phạm Thúy Loan, đập cũ xây mới hay xây lên từ cái có sẵn là vấn đề đầy tính tranh luận và ở đó, không có câu chuyện tôi đúng thì anh sai. Sẽ có những người yêu các trung tâm hiện đại song sẽ có những người thích chợ cóc của ngày xưa. “Hà Nội cần đa dạng các loại khu phù hợp với năng lực chi trả của các nhóm đối tượng khác nhau… Tôi vẫn thích các thành phố có sự phong phú. Việc so sánh theo hàng ngang là hơi khó và có lẽ không nên”, KTS Phạm Thúy Loan chia sẻ.

Rất nhiều bạn trẻ quan tâm vấn đề không gian công cộng và thành phố đáng sống.

Dù không gian công cộng của Hà Nội còn thiếu và yếu, song điều đáng mừng là thủ đô vẫn sở hữu nhiều địa điểm đáng sống. Tham gia READING CIRCLE, L’ESPACE, Japan Foundation hay nghe nhạc trên đường phố tối cuối tuần… là những lựa chọn văn hóa được KTS Phạm Thúy Loan làm dẫn chứng về những “trải nghiệm thành phố không cần tiền, tiếp cận với những thứ mới của thế giới”.

READING CIRCLE là chương trình phi lợi nhuận, có sứ mệnh lan tỏa tri thức, thúc đẩy tư duy và thay đổi hành vi, thông qua các buổi giới thiệu sách để thảo luận về những vấn đề xã hội.

Theo khẳng định của KTS Phạm Thúy Loan, một thành phố đẹp, đáng sống cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan và chỉ thời gian mới có thể cho câu trả lời chính xác nhất những công trình nào là sai hay đúng.

Trong bối cảnh đó, việc thiết kế đô thị Hà Nội cần chú trọng tái tận dụng không gian của một thành phố nghìn năm lịch sử bởi lịch sử là tài nguyên, gốc gác quan trọng của thành phố này. Như chính chiều cạnh thời gian được phản ảnh trong cuốn sách: Mọi thứ đều diễn tiến theo một trục thời gian và nơi một vỉa hè cỏn con có thể có câu chuyện của hàng xôi buổi sáng, hàng nước buổi trưa và hàng trà chanh chém gió buổi chiều tối…

Thế nào là một thành phố đáng sống là một câu hỏi thường thức không có câu trả lời chính xác cuối cùng và tầm quan trọng của những “nơi chốn” luôn đòi hỏi mỗi một cá nhân phải đi tìm câu trả lời với tinh thần cầu thị để tiệm cận hơn tới cái hay cái tốt.

Như KTS Phạm Thúy Loan đã chia sẻ, “bất cập chỉ là một phần lịch sử, không phải là mãi mãi” và sứ mệnh của chúng ta là tạo ra những sân chơi chung được nhiều người yêu mến, để đời sống tinh thần của người dân thủ đô phong phú hơn và Hà Nội ngày càng trở thành một nơi chốn đáng sống hơn nữa.

Vũ Anh
Hà Nội xã hội hóa các khu vui chơi, giải trí công cộng
Hà Nội xã hội hóa các khu vui chơi, giải trí công cộng

Hà Nội còn rất thiếu các không gian công cộng, các điểm vui chơi, giải trí phục vụ đời sống tinh thần của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN