Về vấn đề này, theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Do đó, một trong những giấy tờ bắt buộc người lái xe phải đem theo khi tham gia giao thông là bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc. Nếu không đem đầy đủ, lái xe sẽ bị xử phạt.
Nghị định 103/2008/NĐ-CP cũng quy định chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Nghị định này và Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính quy định.
Lái xe mua đầy đủ bảo hiểm bắt buộc vừa tránh bị xử phạt, vừa tránh khỏi rủi ro tài chính khi khắc phục hậu quả nếu gây ra tai nạn. Bởi khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm (100 triệu đồng), doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho chủ xe máy số tiền mà chủ xe đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Hiện nay, mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của phương tiện được quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC. Mức phí bảo hiểm của một số xe phổ biến như sau:
- Xe máy: 55.000 đồng (dưới 50cc) và 60.000 đồng (trên 50cc);
- Ô tô không kinh doanh vận tải dưới 06 chỗ: 437.000 đồng;
- Ô tô không kinh doanh vận tải từ 6 đến 11 chỗ ngồi: 794.000 đồng.
(Phí chưa bao gồm 10% VAT).
Hiện nay, mức phạt với ô tô, xe máy không có bảo hiểm bắt buộc được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng (trước đây phạt 80.000 - 120.000 đồng).
Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng (bằng mức phạt tại Nghị định 46/CP).
Ngoài ra, theo Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, khi tham gia giao thông, sẽ luôn có rủi ro gây tai nạn giao thông, nhất là các phương tiện cơ giới có thể gây hậu quả lớn. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc được đặt ra để tạo nguồn chi trả cho các nạn nhân mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không. Đây là quy định đúng đắn, nhân văn và được phần lớn các quốc gia trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam thì cả ô tô xe máy đều phải có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới.