Không thiếu nguồn cung thịt lợn

Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Kim Giao (ảnh), Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về nguồn cung thịt lợn hiện nay.

Ông đánh giá như thế nào về việc giá thịt lợn tăng trong thời gian gần đây?

Theo ý kiến của chúng tôi, giá cả thịt lợn tăng là do đầu vào tăng lên. Nhưng giá thịt lợn trong nước ở thời điểm vừa qua vẫn thấp hơn một số nước xung quanh, ví dụ ở Trung Quốc, giá thịt lợn cao hơn Việt Nam 1.000 – 2.000 đồng/kg, có những chỗ cao hơn tới 3.000 đồng/kg. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào và Campuchia thì ngang bằng hoặc cao hơn một ít. Do vậy, không thể nói do nguồn cung thiếu mà giá thịt tăng cao.

Trong thời gian qua, giá thịt lợn tăng cao là do chưa kiểm soát được dịch bệnh, nên có những chỗ lợn rất nhiều nhưng không vận chuyển đi được. Đó là hiện tượng thiếu cục bộ, khi thiếu cục bộ thì người dân tưởng là thiếu thịt.

Vì dịch bệnh chưa được kiểm soát, người dân rất muốn đầu tư nhưng không dám vì không biết dịch bệnh đến bao giờ mới được giải quyết triệt để. Như năm ngoái, dịch tai xanh trên đàn lợn kéo dài suốt cả năm, ngoài Bắc từ tháng 3 đến tháng 6, trong Nam thì từ tháng 9 đến tháng 10, rồi lại quay ra Bắc. Đến cuối tháng 10/2010 chúng ta mới khống chế được dịch. Đấy là nguyên nhân mà nơi này nơi kia người dân bỏ trống chuồng. Trong khi đó, lợn trang trại vẫn phát triển, thiếu hụt thì chỉ là thiếu cục bộ do không vận chuyển được.

Xin ông cho biết cụ thể nhu cầu thịt của năm nay và nguồn cung như thế nào?

Năm 2010, tổng nhu cầu về thịt là trên 4 triệu tấn, năm nay nhu cầu khoảng 4,2 triệu tấn và nguồn cung trong nước sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 4,2 - 4,3 triệu tấn. Riêng thịt lợn, năm 2010, nhu cầu khoảng hơn 3 triệu tấn, năm nay khoảng 3,3 triệu tấn, nguồn thịt sẽ cung cấp đủ. Do vậy, không phải lo ngại về lượng cung thịt, hàng năm chúng ta còn xuất khẩu khoảng 13.000 – 15.000 tấn lợn choai sang các nước láng giềng.

Chăm sóc đàn lợn thịt tại hộ gia đình ông Phạm Văn Thiêm, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Vừa qua, sau khi có những thông tin thiếu thịt, chúng tôi đã cử cán bộ đi kiểm tra, bản thân tôi cũng đi một số tỉnh miền núi, thấy rằng phản ánh thiếu thịt là không chính xác. Do đó, Cục Chăn nuôi mới kiến nghị là không nên nhập khẩu thịt lợn.

Vì thứ nhất, hiện tại dịch bệnh đã được khống chế, có xảy ra nhưng rất ít. Người dân bắt đầu quay trở lại chăn nuôi. Thứ hai, với mức giá cả chăn nuôi hiện nay, người nuôi đang rất có lợi. Hiện tại, giá thịt lợn có giảm 5 – 10% so với trước đây nhưng người dân vẫn có lãi. Ví dụ, nuôi một con lợn 1 tạ, người dân có thể bỏ túi được 2 triệu đồng, chưa bao giờ người chăn nuôi lại lãi như vậy. Thậm chí nếu có kỹ thuật chăn nuôi tốt có thể lãi tới 50%.

Thứ ba, những người dân chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng, nên nhân cơ hội này thay đổi cơ cấu, hướng tới chăn nuôi trang trại phát triển tập trung. Chăn nuôi trang trại phát triển thì vòng quay sản xuất nhanh hơn, bình thường người dân nuôi 6 – 7 tháng mới được một vòng nhưng chăn nuôi trang trại chỉ mất 5 tháng.

Khi đã có vòng quay nhanh thì số đầu lợn cũng nhiều hơn, khối lượng xuất chuồng cao, nguồn cung cao. Nhân cơ hội này, chúng ta phát triển thêm các loại gia cầm như gà, vịt... tận dụng cơ hội để thay đổi cơ cấu chăn nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm. Vì tiêu thụ thịt lợn của thế giới là 40%, 30% là gà, 30% là sản phẩm khác trong khi đó của Việt Nam gần 80% là lợn, 12 – 13% là gà, 7 – 8% là trâu bò.

Nếu chuyển sang nuôi gia cầm thì tiết kiệm được chi phí thức ăn và đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.

Cục Chăn nuôi có chính sách gì khuyến khích nông dân tái đầu tư cho chăn nuôi không, thưa ông?

Người nông dân biết là chăn nuôi đang cho thu nhập cao nhưng vẫn e ngại vì vốn chưa có, chủ trang trại nào cũng kêu nhưng thực chất họ lại mở rộng sản xuất, không bán giống để dùng nuôi bán lợn thịt vì đang được giá. Nhiều trang trại thấy lợn đang được giá nên bán sớm để hưởng giá cao.

Do vậy, không cần khuyến khích các trang trại cũng tự mở rộng. Chúng tôi cũng không khuyến khích chăn nuôi lợn vì ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, nhân cơ hội này chúng ta đẩy mạnh sang nuôi gia cầm.

Hữu Vinh thực hiện

Không có chuyện nhập khẩu thịt lợn
Không có chuyện nhập khẩu thịt lợn

Trong thời gian qua, giá cả các loại thịt đều tăng, đặc biệt là thịt lợn. Có thông tin cho rằng do nguồn cung thịt bị thiếu hụt, người dân không tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi khiến Bộ Công Thương đã phải đề nghị, trong năm 2011 nhập 100.000 tấn thịt lợn để bù đắp nguồn thiếu hụt này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN