Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh, giảng viên cao cấp khoa Môi trường Viện Công nghệ Châu Á cho rằng: Hiện Việt Nam đã ứng dụng có nhiều loại mô hình quản lý chất lượng ô nhiễm không khí như: mô hình ba chiều, mô hình nguyên tắc tán xạ ánh sáng; mô hình khí tượng… nhưng tùy phân số thế nào, tùy từng điều kiện khí tượng để có hướng lựa chọn mô hình phù hợp với từng khu vực. Do đó, thời gian tới giải pháp lâu dài là cần đồng bộ các công cụ quản lý chất lượng không khí, đặc biệt đẩy mạnh phát triển công cụ kinh tế trong quản lý chất lượng không khí như thiết lập cơ chế trao đổi hạn ngạch, trao đổi khí thải công nghiệp, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải hoặc nguyên, nhiên liệu, dịch vụ phát sinh khí thải; hài hòa việc sử dụng các công cụ kinh tế với công cụ pháp lý và các giải pháp công nghệ cần được cân nhắc trong bối cảnh thực tiễn.
Bàn về khả năng áp dụng mô hình AERMOD đánh giá phân bố nồng độ bụi PM2,5 vùng Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và lân cận, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Xuân Cơ, khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Mô hình AERMOD nằm trong dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ gồm có 2 phần chính: Phần tính toán hỗ trợ (Tính toán và tạo file số liệu khí tượng (AERMET); Tính toán địa hình và tạo lưới các điểm tính toán); Mô hình khuếch tán. Theo đó, tính toán địa hình có thể liên kết với sơ đồ mở của thành phố (Open Street Map) để đưa bản đồ giao thông lên mô hình, từ đây giúp xây dựng các nguồn đường một cách chính xác.
Về yêu cầu số liệu đầu vào đối với nguồn thải, có thể tạo nhóm các thay đổi phát thải theo nhu cầu khác nhau; tạo xây dựng số liệu phát thải theo giờ cho từng nguồn (các số liệu về nguồn phát thải được thu thập theo các dạng nguồn và theo khu vực. Nhóm phân ra thành các tệp nguồn khu vực Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và ngoài Hà Nội). Đối với mỗi khu vực đã thu thập số liệu đối với 4 dạng nguồn: Công nghiệp, dân sinh, giao thông, nông nghiệp….). Kết quả đầu ra là đưa ra các files kết quả (có thể trích xuất qua excel) và bản đồ nồng độ chất ô nhiễm (trung bình năm/thời kỳ, một giờ cao nhất trong năm/thời kỳ, trung bình ngày cao nhất trong năm/thời kỳ.
Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố khí tượng lên sự biến thiên nồng độ bụi PM2.5, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ và Phát triển cộng đồng, Tiến sỹ Trần Công Chính cho biết: Theo số liệu trung bình giờ của nồng độ bụi PM2.5 (μg/m3) được đo ở Trung tâm quan trắc môi trường, số 556 Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội trong giai đoạn từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018, cho thấy các yếu tố khí hậu đều có ảnh hưởng tới diễn biến nồng độ bụi theo mùa, theo tháng và giờ. Trong đó, tốc độ gió, nhiệt độ và bức xạ mặt trời có tác động cùng chiều với nồng độ bụi; áp suất không khí có ảnh hưởng ngược đối với nồng độ bụi.
Tốc độ gió đóng vai trò quan trọng nhất so với các yếu tố còn lại trong ảnh hưởng tới nồng độ bụi; nồng độ bụi thay đổi theo mùa, tháng và giờ trong ngày. Nồng độ bụi thấp nhất vào mùa hè khi các yếu tố tốc độ gió, nhiệt độ và bức xạ mặt trời đều cao hơn so với các mùa khác trong năm. Tháng 5 có nồng độ bụi thấp nhất trong khi tháng 1 và 2 ghi nhận được nồng độ bụi cao nhất. Đối với các giờ trong ngày, nồng độ bụi cao nhất tập trung ở các khung giờ từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng và thấp nhất vào buổi chiều từ 14 giờ - 15 giờ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận theo nhóm nhằm đề xuất kế hoạch tương lai và khuyến nghị chính sách và truyền thông công chúng để đảm bảo chất lượng không khí an toàn tại các đô thị. Theo đó, thời gian tới, mong muốn có mạng thông tin cung cấp cho cộng đồng, có nhiều nghiên cứu sâu hơn về ô nhiễm không khí, được tiếp cận sâu rộng với mạng lưới nghiên cứu ô nhiễm không khí.
Các đại biểu đề nghị các cấp chính quyền cần phải đo đạc và công bố tức thời và liên tục thông tin về chất lượng không khí; có kịch bản ô nhiễm môi trường để cảnh báo người dân ngay khi có ô nhiễm không khí; đưa ra kế hoạch kiểm soát chất lượng không khí ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; chỉ tiêu rõ ràng giảm bao nhiêu phát thải cho từng giải pháp… Đồng thời, tăng cường truyền thông trên các kênh truyền thông, bản đồ online, đặc biệt có sự tham gia tích cực của cộng đồng.