Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán chất DEHP

Theo các nhà khoa học, không chỉ thực phẩm bị nhiễm chất DEHP (một chất phụ gia công nghiệp) mà có rất nhiều sản phẩm khác cũng bị nhiễm chất này. Đặc biệt, các vật dụng làm bằng nhựa như đồ chơi trẻ em, chén bát nhựa, dụng cụ y tế… chứa một hàm lượng DEHP rất cao.

Nguy cơ từ các vật dụng bằng nhựa

Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết: Không chỉ có trong thực phẩm mà DEHP còn có ở hầu hết các vật dụng làm bằng nhựa PVC như: chén đĩa nhựa; cửa nhựa, màng trong quấn thành cuộn bán ở siêu thị để bọc thực phẩm;… Những vật dụng này rất dễ dàng thôi vào thực phẩm khi được hâm nóng. Bên cạnh đó, DEHP còn có trong mỹ phẩm như keo xịt tóc, sơn móng tay để giữ màu, giữ mùi. Đặc biệt, loại chất này còn được thêm vào đồ nhựa dùng để sản xuất đồ chơi cho trẻ em.

Theo quy định, đồ chơi trẻ em được bày bán trên thị trường phải có chứng nhận đạt chuẩn. Nhưng hiện các loại đồ chơi trẻ em phần lớn được chế biến bằng nhựa phế liệu, không đảm bảo, không dán tem hợp chuẩn cũng được bày bán tràn lan ở ngoài thị trường. Bên cạnh đó, nhiều loại đồ chơi trẻ em không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định vẫn được bày bán và qua mắt các cơ quan chức năng bằng cách mua tem hoặc dùng tem phô tô để dán. Các loại đồ chơi kém chất lượng đang ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em bởi chúng chứa một hàm lượng chất DEHP rất lớn.

DEHP có hàm lượng lớn trong đồ chơi trẻ em.


Bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch hội Ung thư TP Hồ Chí Minh, khuyến cáo: Phải cẩn thận chọn đồ chơi và đồ dùng cho trẻ con. Đồ chơi có chất DEHP đặc biệt nguy hiểm vì trẻ con thường cho vào miệng ngậm. Trong ống tiêu hóa, DEHP mau chuyển hóa thành MEHP, rất độc cho hệ sinh dục. Từ năm 1999, Ủy ban châu Âu đã cấm dùng phthalate để làm đồ chơi trẻ em. DEHP là một trong sáu loại phthalate bị cấm. Năm 2005 lệnh cấm này nới rộng: trong cả các vật dụng chăm sóc trẻ em như dụng cụ giúp ngủ, giữ vệ sinh, nuôi ăn, núm vú.

DEHP có cả trong dụng cụ y tế

Ngoài các vật dụng trong gia đình, chất DEHP còn có cả trong thiết bị y tế, hiện có khoảng 40% dụng cụ y tế được tạo bởi nhựa PVC. Trong khi đó, DEHP chiếm 20- 40% trọng lượng của nhựa PVC và chiếm đến 80% trọng lượng trong các ống truyền dịch, truyền máu, ống thông mạch máu…

Bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng cho biết: Các vật dụng làm bằng chất dẻo dùng truyền dịch, truyền máu dễ khiến bệnh nhân bị phơi nhiễm DEHP ở liều cao. Hiện chưa có nghiên cứu sâu về tác hại của DEHP trên sức khỏe con người, nhưng Bộ Y tế Hoa Kỳ cũng khuyến cáo cần đề phòng vì DEHP gây ung thư, làm tổn thương gan và hệ sinh dục.

Trước thông tin về việc DEHP có trong các dụng cụ y tế ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, bác sỹ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho rằng nên thay thế dụng cụ bằng nhựa PVC bằng nhựa PE, PU, PP hoặc bằng PVC không có DEHP, dùng các dụng cụ nhựa một lần, bảo quản đúng quy định và hạn dùng, rút ngắn thời gian sử dụng các dụng cụ nhựa.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, nên thận trong trong sử dụng bát đĩa nhựa trong ăn uống, không nên dùng chén bát đĩa nhựa để chứa thức ăn nóng, thức ăn béo ngay cả ở nhiệt độ thường. Hạn chế sử dụng các cuộn giấy trong để bọc kín thức ăn, hạn chế mua sắm các vật gia dụng làm bằng nhựa PVC.

Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Để kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán DEHP trên thị trường, cần phải có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm, đồng thời có biện pháp xử phạt nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh hóa chất không đáp ứng quy định.

Bài và ảnh: Đan Phương


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN