Vừa qua, bốn Bộ Khoa học& Công nghệ, Công Thương, Công an và Giao thông vận tải đã ký Thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xe đạp máy… Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng đang tích cực kiểm soát hoạt động bán buôn các loại mũ bảo hiểm không đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tăng cường tuyên truyền, giúp người tiêu dùng hiểu biết về mũ bảo hiểm, hiện Thông tư liên tịch đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.
Theo quy định của Thông tư liên tịch, mũ bảo hiểm phải được cấu tạo đủ ba bộ phận, gồm vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng quy định và được chứng nhận hợp quy; công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa đầy đủ.
Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên tuyến phố Huế, Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Các loại mũ có kiểu dáng tương tự mũ bảo hiểm, nhưng không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trên, sẽ không được công nhận là mũ bảo hiểm. Người dân khi lưu thông bằng xe máy, mà sử dụng các loại mũ này sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, với mức phạt từ 100.000 – 200.000 đồng. Dự kiến, việc xử phạt sẽ được thực thi sau khi Thông tư liên tịch có hiệu lực vào 15/4/2013.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Trưởng phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: Các vấn đề liên quan đến mũ bảo hiểm đã được triển khai trong 5 năm qua, đồng thời hiện nay cũng đã có đủ văn bản pháp luật, hành lang pháp lý và lực lượng để xử lý các hành vi vi phạm về sản phẩm này. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm triển khai với tinh thần trách nhiệm cao hay không. Điển hình, tất cả các loại mũ tương tự mũ bảo hiểm, mũ thời trang… bán buôn ở những khu vực vỉa hè, đường phố, chính quyền địa phương, phường, xã phải tham gia kiểm tra, xử lý và tuyên truyền để người dân nhận biết hành vi sai phạm pháp luật.
Còn ông Nguyễn Thanh Hậu, đại diện công ty Á Châu cho rằng đối với những trường hợp mũ tương tự mũ bảo hiểm, mũ thời trang… xử lý khá dễ dàng, nhưng còn các sản phẩm hàng nhái, hàng giả thì rất khó kiểm tra, phát hiện, bởi các sản phẩm này ngày càng được sản xuất bằng nhiều phương thức tinh vi. Do đó, việc triển khai Thông tư liên tịch cần phải triệt để và liên tục, trong đó kiến nghị đưa mặt hàng mũ bảo hiểm vào danh mục ngành sản xuất – kinh doanh có điều kiện, nhằm hạn chế tình trạng đơn vị đăng ký sản xuất – kinh doanh không trực tiếp thực hiện mà chuyển giao gia công từng công đoạn sản phẩm ở nhiều đơn vị khác, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng, đảm bảo quy trình sản xuất.
Các doanh nghiệp hoạt động ở ngành hàng mũ bảo hiểm cho biết, để có một quy trình sản xuất sản phẩm mũ bảo hiểm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành của pháp luật, doanh nghiệp phải đầu tư vốn, công nghệ rất tốn kém, nhưng để sản xuất ra mũ bảo hiểm kém chất lượng, chỉ cần số vốn là 3 triệu đồng.
Với việc không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lợi nhuận cao và sự dễ dãi của người tiêu dùng, nên hiện trên thị trường mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật chiếm khoảng 70% thị phần. Ông Thi Thanh, đại diện công ty Tân Tiến nhận định: Một số nguyên nhân mà người dân không ưa chuộng sử dụng mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật là do trọng lượng mũ nặng, giá thành cao.
Việc mua sắm và tiêu dùng các loại mũ tương tự mũ bảo hiểm một cách thiếu hiểu biết không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành hàng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vì vậy, ngoài chiến dịch truy quét mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, phải đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng trong việc sử dụng mũ bảo hiểm.
Theo ông Trần Văn Xiêm, đại diện Cục Quản lý chất lượng hàng hóa phía Nam: Trong thời gian qua công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tiêu dùng cho người dân còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Trong đó, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của việc đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe máy, đồng thời cũng kém tự giác trong việc chủ động bảo vệ an toàn tính mạng và người thân. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật còn gặp một số khó khăn như muốn xác định chất lượng sản phẩm phải lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm các chỉ tiêu.
Tuy nhiên, cùng với cơ quan chức năng, đề nghị các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, bên cạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh, cần đẩy mạnh khâu trưng bày, giới thiệu hàng thật – hàng giả; tư vấn cho khách hàng những kiến thức cơ bản về sử dụng mũ bảo hiểm; thông tin rộng rãi địa chỉ cửa hàng, nhà sản xuất.
Mỹ Phương