Kiên Giang: Cầu Thứ Bảy trước nguy cơ sập đổ

Hiện nay, cầu Thứ Bảy trên tỉnh lộ 967 đi qua địa bàn hai huyện An Biên và An Minh, tỉnh Kiên Giang có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào do hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, ngành chức năng tỉnh này chậm chạp trong việc xử lý, còn người dân sống quanh khu vực cầu lại xem thường sự nguy hiểm, không cho tháo dỡ và hàng ngày vẫn qua lại cầu hỏng.

Người dân vẫn vô tư lưu thông qua cầu Thứ Bảy bất chấp biển cấm. Ảnh: Lê Sen - TTXVN


Cầu Thứ Bảy bắc qua kênh Thứ Bảy nằm trên địa bàn tiếp giáp giữa ấp 7 Chợ, xã Đông Thái (huyện An Biên) và ấp 7 Xáng, xã Đông Hòa (huyện An Minh), tỉnh Kiên Giang, kết nối miệt Thứ với Quốc lộ 63 được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Qua kiểm tra, cầu Thứ Bảy không còn đảm bảo an toàn giao thông, dầm cầu bằng sắt gỉ, sét và ván lót mặt cầu bị mục, gần như không còn khả năng chịu lực cho người và phương tiện qua lại. Trong khi đó, phía đầu cầu ấp 7 Chợ là điểm chợ Thứ Bảy nên lượng người và xe hai bánh lưu thông qua chiếc cầu này khá lớn, nhất là vào những ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật và dịp lễ, tết lại càng nhiều hơn. Cầu quá tải, nguy cơ đổ sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ngày 19/5/2015, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Kiên Giang ra thông báo nghiêm cấm các phương tiện và người tham gia giao thông qua cầu Thứ Bảy do hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông. Vì vậy, việc lưu thông trên tuyến tỉnh lộ 967 đi theo tuyến tránh chợ Thứ Bảy, trong đó có cầu Thứ Bảy được xây dựng mới đã đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Theo ông Nguyễn Văn Gia, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa, huyện An Minh: Hiện tại, tải trọng của cầu sắt Thứ Bảy không còn đảm bảo an toàn giao thông, thân cầu oằn xuống rất nguy hiểm, nhưng người dân quanh khu vực chợ thì cho rằng cầu vẫn còn đi được, không phải tháo dỡ. Sở Giao thông - Vận tải tỉnh kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành tháo dỡ cầu, nhằm tránh hiểm họa sập đổ có thể xảy ra thì nhiều người dân ngăn cản quyết liệt, nhất là những hộ sinh sống, kinh doanh, mua bán ở hai bên đầu cầu.

Kết cấu thép đã mục, sét khiến cầu Thứ Bảy có thể sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Lê Sen-TTXVN


Theo nhiều người dân ở đây, việc không cho tháo dỡ cầu Thứ Bảy là do việc đi lại, kinh doanh, mua bán sẽ không thuận lợi khi tháo dỡ cầu, qua chợ Thứ Bảy phải đi vòng đường tránh rất bất tiện, nhất là vào ban đêm. Yêu cầu của bà con là ngành chức năng tỉnh và địa phương sửa chữa, nâng cấp, giữ nguyên cầu Thứ Bảy. Về vấn đề này, ông Giang Thanh Khoa, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết: Năm 2012, cầu Thứ Bảy (mới) xây trên tuyến tránh chợ Thứ Bảy thông xe và tiến hành tháo dỡ cầu cũ nên không có nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp cầu cũ. Sở khuyến cáo chính quyền địa phương vận động nhân dân sinh sống ở khu vực hai bên cầu đóng góp xây dựng mới, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Nhà nước.

Trước tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng, một số hộ dân tự ý góp tiền sửa chữa cầu Thứ Bảy để lưu thông, bất chấp sự can ngăn và giải thích của chính quyền địa phương. Họ đổ bê tông xi măng lên mặt cầu và đóng cọc kéo dây cáp nâng thân cầu lên. Ông Nguyễn Văn Gia, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa, cho biết: Sáng 2/4/2015, khoảng 20 hộ dân ở hai ấp 7 Chợ và 7 Xáng tập kết vật tư sửa chữa cầu. Chính quyền xã phối hợp với xã Đông Thái can ngăn, giải thích với người dân là cầu Thứ Bảy đã quá niên hạn sử dụng, không còn đảm bảo an toàn giao thông, cấm người và phương tiện xe cộ qua lại, đề nghị ngưng ngay việc tự ý sửa chữa.

Tuy nhiên, các hộ dân không chấp hành, gây áp lực lại chính quyền địa phương, đổ bê tông xi măng lên mặt cầu mà ván đã bị mục làm tăng thêm tải trọng của cầu. Thân cầu bị oằn xuống, các hộ dân tiếp tục đóng cọc kéo dây cáp để nâng lên. Việc làm tự phát này và lưu lượng qua lại cầu hàng ngày hiện nay khá lớn, người dân bất chấp sự nghiêm cấm của ngành giao thông đang là nỗi lo của địa phương trước nguy cơ cầu sập xuống bất cứ lúc nào.

Để tránh nguy cơ sập cầu Thứ Bảy, chính quyền địa phương hai xã Đông Thái và Đông Hòa cần tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục, vận động, giải thích để người dân đồng thuận tháo dỡ hoặc đóng góp xây dựng cầu mới đảm bảo an toàn; xây dựng hàng rào, bố trí lực lượng trực canh điều tiết giao thông ở hai bên đầu cầu không cho người và xe qua lại, nhằm tránh những tai họa đáng tiếc có thể xảy ra. Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Kiên Giang cần sớm có kế hoạch tháo dỡ cầu Thứ Bảy để bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Đắk Nông: Sập cầu, một người bị thương nặng
Đắk Nông: Sập cầu, một người bị thương nặng

Do mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 8 gây xói mòn đất dẫn đến vụ sập cầu xảy ra chiều 5/8 tại thôn Giang Cách, xã Đắk D’rồ - huyện K rông Nô khiến một người bị thương nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN