Xe hợp đồng hoạt động trên phố Hàng Trống, Hà Nội. |
Theo Bộ Giao thông Vận tải, quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại phát sinh như: tình trạng các phương tiện vận tải hành khách đón trả khách tùy tiện, xe hợp đồng hoạt động vận tải hành khách “trá hình” như xe vận tải khách tuyến cố định, vi phạm các quy định về quản lý vận tải còn diễn biến rất phức tạp; hiện tượng “xe dù, bến cóc” có chiều hướng gia tăng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, gây bức xúc trong xã hội.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2018 của Thủ tướng về đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định, của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc” gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Để xử lý triệt để tình trạng “xe dù, bến cóc”, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu bổ sung các biện pháp quản lý đối với loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng để tạo cơ sở pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng hoạt động vận tải khách “trá hình” như xe vận tải khách theo tuyến cố định.
"Tới đây cần nghiên cứu lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải đường bộ. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để trình Chính phủ", Chỉ thị của Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo Vụ An toàn giao thông phối hợp Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Tài chính, Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất việc ưu tiên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông; Triển khai kế hoạch thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của phát luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các Sở Giao thông Vận tải và đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là quy định về bảo đảm an toàn giao thông; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao xây dựng phần mềm tiếp nhận, xử lý thông tin hợp đồng vận tải để thống nhất sử dụng chung toàn quốc. Qua đó kịp thời phát hiện và thông báo cho Sở Giao thông Vận tải địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm.