Từ sáng, các cán bộ, nhân viên phường Xuân Phú (thành phố Huế) đã đến gõ cửa từng hộ dân để trao số tiền hỗ trợ cho những đối tượng không có điều kiện đi lại trên địa bàn và động viên họ vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Xuân Phú, việc trao hỗ trợ cho các đối tượng chủ yếu được thực hiện tập trung tại trụ sở phường trong chiều 29/4. Để đảm bảo an toàn cho bà con, mọi người đều được thông báo mang khẩu trang và đến nhận hỗ trợ vào những khung giờ khác nhau. Lực lượng Công an phối hợp dân quân tự vệ phường tích cực tổ chức giãn cách cho bà con khi đến trụ sở tiếp nhận.
Trong 2 ngày thực hiện chi trả, nhiều cán bộ, nhân viên tại Ủy ban nhân dân phường Xuân Phú đã cố gắng làm quá thời gian hành chính để hoàn thành công việc, trao 998 triệu đồng đến tay 583 đối tượng khó khăn. Hầu hết, mọi người dân đều rất phấn khởi trước nguồn hỗ trợ này. Là bà mẹ Việt Nam anh hùng bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, bà Hoàng Thị Hiền (trú phường Xuân Phú) cho biết, bản thân rất vui mừng vì nhận được 1,5 triệu đồng hỗ trợ, số tiền này giúp gia đình bà trang trải một phần cuộc sống trong giai đoạn khó khăn này.
Cùng phương thức trao hỗ trợ như phường Xuân Phú, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều cố gắng thực hiện chi trả sớm cho người dân trước dịp lễ. Công tác phòng, chống dịch cũng được các địa phương chú trọng trong suốt quá trình thực hiện chi trả. Trong đó, thị xã Hương Thủy là địa phương đi đầu thực hiện sớm nhất, ngay sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế ký quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ 4 nhóm đối tượng ưu tiên gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đến nay, hơn 9.200 người dân thuộc 4 nhóm đối tượng nêu trên tại thị xã Hương Thủy đã nhận được số tiền hỗ trợ.
Đợt này, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chi hơn 149 tỷ đồng tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh về các địa phương để hỗ trợ gần 135.000 đối tượng. Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với thời gian 3 tháng (tháng 4, 5 và 6) theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Mỗi đối tượng có công và bảo trợ xã hội được nhận 1.500.000 đồng cho 3 tháng. Mức hỗ trợ cho mỗi thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 250.000 đồng/tháng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ, 4 nhóm đối tượng ưu tiên được hỗ trợ đợt 1 là những đối tượng đã có danh sách nhận chế độ hàng tháng nên việc chi trả sẽ dễ dàng trong việc xác định, giúp người dân sớm nhận được hỗ trợ, giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Hiện các ngành, địa phương trong tỉnh đang rà soát và lập danh sách các nhóm đối tượng được hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 còn lại để tổ chức chi trả kịp thời; đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch; có giám sát chặt chẽ và không để xảy ra việc trục lợi trong thực hiện chính sách.
* Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, với phương châm "Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi", thời gian qua, các cấp Hội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ với mong muốn góp phần chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
Kết quả, từ đầu tháng 2 đến nay, Hội đã kêu gọi, vận động được 15.000 bánh xà phòng, 40.000 khẩu trang, 500 thùng sữa, 100 thùng nước lọc, 600 bộ quần áo phòng dịch, 2 nghìn kg gạo và một số nhu yếu phẩm với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng để trao tặng đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ nhân viên phục vụ công tác khám và điều trị cho nhân dân; cán bộ chiến sỹ; học sinh và các hộ nghèo tại địa phương.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian qua, Hội đã thực hiện hiệu quả vai trò là "cầu nối" kêu gọi các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Cùng với các hoạt động tặng quà, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn có nhiều hoạt động thiết thực khác như nhắn tin ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền đến nhân dân các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; hướng dẫn sử dụng khẩu trang, rửa tay bằng nước sạch, nước diệt khuẩn đúng cách...
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên lượng máu dự trữ cứu sống người bệnh trong tình trạng khan hiếm. Trước tình hình đó, Hội đã phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, kêu gọi người dân hiến máu nhưng tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như tổ chức các điểm hiến máu với quy mô nhỏ, chia thành nhiều đợt theo các khung giờ khác nhau, yêu cầu người hiến máu và nhân viên y tế đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào cổng cũng như khai báo y tế giúp sàng lọc người có yếu tố dịch tễ và tiền sử đi đến từ vùng dịch tễ... Từ đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã cùng với các đơn vị tổ chức được 5 đợt hiến máu tình nguyện, thu được trên 3.000 đơn vị máu, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị của địa phương và hỗ trợ tuyến Trung ương.
Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chỉ đạo các huyện hội, thành hội tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp, "mạnh thường quân" trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 qua đó kịp thời hỗ trợ các đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn. Đồng thời, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức về ý nghĩa của việc hiến máu, qua đó góp phần đảm bảo lượng máu phục vụ bệnh nhân tại các cơ sở y tế, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19.