Thống kê ban đầu, tổng thiệt hại gần 6,8 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp thành phố đang triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Cánh đồng lúa xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum là một trong những địa điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận mưa đá chiều 23/4. Trên cánh đồng này, đa số lúa Đông - Xuân còn khoảng 7 - 15 ngày nữa sẽ bước vào thời gian thu hoạch. Tuy nhiên, sau mưa đá, nhiều diện tích lúa chỉ còn lại trơ trọi thân cây, bông lúa trĩu hạt không còn, thay vào đó là lác đác vài hạt.
Ông Lê Thọ, thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum cho biết, gia đình ông canh tác lúa từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận mưa đá nào lớn như chiều 23/4. Theo ông Thọ, trận mưa đá diễn ra theo ba đợt, sau mỗi đợt, trời lại ngừng mưa. Vì vậy, thiệt hại do mưa đá lại càng lớn. Gia đình ông có hơn 2 sào lúa canh tác ở cánh đồng Đoàn Kết, đang trong thời kỳ làm hạt, chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là thu hoạch. Trận mưa đá đã làm rụng hết, thiệt hại từ 70 - 90%, lúa chỉ còn lại vài ba hạt lép. Mọi năm, gia đình thu được khoảng hơn 2 tấn lúa, năm nay thế này không còn gì để thu hoạch nữa !
Sau trận mưa đá, sáng 24/4, gia đình ông Trần Văn Chỉnh, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum đã gặt vội 1,5 sào lúa. Trên diện tích này, những vụ Đông Xuân trước gia đình đều thu hoạch được 39 bao lúa, sau khi phơi xong cũng được trên 1,6 tấn thóc. Tuy nhiên, sau trận mưa đá, chỉ còn thu về 9 bao lúa mà phần nhiều trong đó lúa lép.
Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, vụ mùa 2022 bị mất mùa nhưng không ít nông dân tại Kon Tum trồng giống lúa Đài thơm 8 ở vụ Đông Xuân 2022 - 2023. Giống lúa này có ưu điểm là cứng cây, ít đổ ngã, bông to nhiều hạt. Chính những ưu điểm này lại khiến bà con bị thiệt hại nặng hơn do mưa đá vì các hạt lúa dễ bị đánh rụng hơn.
Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết, qua thống kê, trong số hơn 160 ha lúa bị hư hại do mưa đá, phần lớn bị thiệt hại trên 70%. Mưa đá cũng làm thiệt hại khoảng 2,5 ha chanh dây, 5,5 ha rau màu. Một số nhà ở bị tốc mái, công trình tường rào bị hư hỏng. Tổng thiệt hại do trận mưa dông, mưa đá chiều 23/4 gần 6,8 tỷ đồng; trong đó riêng thiệt hại về nông nghiệp khoảng 6,5 tỷ đồng. Với những cơn mưa đầu mùa, thành phố Kon Tum nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên nói chung thường xảy ra mưa dông, mưa đá nhưng mưa đá xuất hiện vào thời điểm lúa chuẩn bị được thu hoạch là rất hiếm, thậm chí chưa từng xảy ra.
“Để khắc phục thiệt hại, UBND thành phố Kon Tum đã yêu cầu các địa phương cử nhân lực hỗ trợ cho bà con khắc phục thiệt hại; thống kê, đánh giá thiệt hại để thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Thời gian tới, mưa đá vẫn sẽ có thể tiếp tục xảy ra. Người dân thực hiện phương châm thu sớm, thu gọn để tránh thiệt hại”, ông Phan Thanh Nam cho biết thêm.