Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Ninh Bình từng là một trong những tỉnh thuộc nhóm nguy cơ cao. Không chỉ có ca bệnh được xác định ngoài cộng đồng mà địa phương còn tiếp nhận hàng nghìn công dân từ nước ngoài về cách ly tập trung. Nhưng với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngành y tế địa phương đã có các biện pháp quyết liệt, không chủ quan, không lơ là, xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh, không để xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo.
Trong sự nỗ lực chung của toàn tỉnh để làm nên thành công bước đầu này không thể không nhắc tới sự đóng góp lớn lao của các y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, đã nỗ lực hết mình, tận tâm, tận lực để hạn chế dịch bệnh phát sinh, lan rộng, ảnh hưởng đến cộng đồng, tạo sự yên tâm và niềm tin cho nhân dân.
Những ngày này, các cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đang tất bật trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Chỉ tính riêng trong tháng 5, các cán bộ của Trung tâm đã lấy mẫu của hàng trăm công dân từ nước ngoài về cách ly y tế tập trung tại địa phương. Mặc dù lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình chia sẻ, là địa phương có ca bệnh xác định ngoài cộng đồng; có hàng trăm người tiếp xúc gần với ca bệnh này và các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai và các ca bệnh khác; số công dân từ nước ngoài về cách ly tập trung tại tỉnh đông nên nhiều tháng qua, cán bộ trong khoa làm việc từ tờ mờ sáng đến đêm khuya mới về đến nhà. Những bữa ăn tạm đã trở nên quá quen thuộc với chị và các đồng nghiệp. Ngay cả việc tắm giặt hàng ngày cũng đều làm xong tại cơ quan trước khi về nhà. Gian nan là thế, nhưng đã xác định là "chiến sỹ" trên mặt trận chống dịch nên mọi người động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.
"Có những ngày chúng tôi phải làm việc liên tục với 4 ca liên tiếp (9h, 11h, 15h và 18h) để đón 4 đợt công dân với gần 700 người ở các nước có dịch về Việt Nam thực hiện cách ly tập trung. Thậm chí bữa ăn cũng phải vội vàng để tiếp tục lấy mẫu, điều tra dịch tễ. Trong 1 ngày, chỉ với hơn 20 cán bộ y tế vừa phải điều tra dịch tễ, đo khám sức khỏe, vừa lấy mẫu xét nghiệm cho gần 700 công dân. Tuy vất vả nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công việc nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao nên chúng tôi cũng không khỏi lo lắng, áp lực. Nhưng với trách nhiệm của nghề, tôi và các đồng nghiệp luôn động viên nhau phải thật sự cẩn trọng, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế từ khâu lấy mẫu đến bảo quản và vận chuyển để giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất", chị Hà chia sẻ.
Không riêng bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngay từ ngày đầu trong trận chiến "chống giặc" COVID-19, tất cả các cán bộ, bác sỹ, nhân viên Trung tâm đã trực thường xuyên và có mặt ngay khi nhiệm vụ được giao. Trung tâm đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động, mỗi đội 6 đến 7 người, tùy vào công việc, nhiệm vụ để tất cả hoặc từng đội lên đường chống dịch không kể ngày đêm.
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung quốc), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động tham mưu Sở Y tế chỉ đạo thành lập các đội phản ứng nhanh tỉnh, huyện và thường trực giám sát dịch; khẩn trương tổ chức đào tạo tập huấn kịp thời cho cán bộ y tế về giám sát, phát hiện ca bệnh, kỹ thuật lấy, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm. Tuy không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các y, bác sỹ, cán bộ làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong "trận chiến" xông pha đến các vùng, tâm điểm. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã phải làm việc gấp 2, 3 lần so với bình thường. Nhiều cán bộ y tế dự phòng còn bị xa lánh vì sợ lây nhiễm bệnh. Nhưng trên hết, tất cả các cán bộ đều quyết tâm, nỗ lực để thực hiện vai trò nòng cốt, góp phần trong việc khống chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, tỉnh Ninh Bình có trên 7.000 trường hợp được cách ly và giám sát, trong đó cách ly tại cơ sở y tế gần 400 trường hợp; cách ly tại cơ sở cách ly tập trung trên 2.700 trường hợp; gần 4.000 trường hợp cách ly y tế tại nhà và nơi lưu trú. Trong đó, gần 2.400 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm với virus SARS-CoV-2 đủ 2 lần, 349 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm với virus SARS-CoV-2 đủ 3 lần. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy trên 6.500 mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Qua 60 ngày liên tiếp, Ninh Bình không có ca bệnh xác định ngoài cộng đồng.
Hiện khi dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, Trung tâm sẽ tiếp tục nhiệm vụ giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng, tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng và xử lý triệt để các ổ dịch tại cộng đồng; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về các biện pháp giám sát, xử lý bệnh dịch cho đội ngũ cán bộ y tế trong hệ thống tham gia công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, Trung tâm tích cực tuyên truyền cho các địa phương, đơn vị, trường học và người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường sức khỏe giúp người dân biết cách bảo vệ sức khỏe, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch cho bản thân và cộng đồng.
Bà Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, là đơn vị trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các y, bác sĩ, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã vượt qua những lo lắng, nguy cơ lây nhiễm để hoàn thành công việc, ngày đêm tìm mọi biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sao cho đạt hiệu quả nhất. Dù phải đối mặt với gian khổ, nguy hiểm nhưng cán bộ y tế dự phòng vẫn kiên trì, tích cực trong công việc. Đó là sự hy sinh, sự cống hiến rất lớn để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Những nỗ lực đó được ghi nhận, tin tưởng của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Để kiểm soát tốt hơn nữa tình hình dịch COVID-19 trong tình hình mới, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn.