Còn nhiều thách thức
Hiện nay, mạng xã hội đang ngày càng phát triển và phổ biến, cập nhật thông tin nhanh. Do đó, có nhiều đơn vị báo chí xem đây là công cụ hỗ trợ để tham khảo nguồn tin, truyền tải thông tin đến độc giả…
Tuy nhiên, nếu không thận trọng và tỉnh táo, rất dễ bị “mắc bẫy” những thông tin giả, sai sự thật; hoặc bị biến thành công cụ cho mạng xã hội, đánh mất bạn đọc… Vì thế, mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi.
Ông Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại số, các cơ quan báo chí đang gặp nhiều áp lực và thách thức. Thách thức đầu tiên là sự cạnh tranh rất khốc liệt của các loại hình truyền thông mới, trong đó có mạng xã hội. Cạnh tranh ở đây là không chỉ trong thông tin, mà còn liên quan đến cạnh tranh ở doanh thu quảng cáo và kinh tế báo chí…
Tại Việt Nam, có hơn 60 triệu người đang sử dụng mạng xã hội và sử dụng thường xuyên, liên tục nên trong việc chạy đua tiếp cận thông tin, mạng xã hội thường nhanh hơn các cơ quan báo chí chính thống; chưa kể các trang mạng xã hội còn đáp ứng được nhu cầu cũng như thị hiếu của một bộ phận không nhỏ những độc giả của báo chí chính thống…
Đơn cử, khi xảy ra một vụ hoả hoạn, khi các phóng viên phải trải qua một quá trình từ đi lấy tin, viết bài, chụp ảnh, phỏng vấn… thì những người dân xung quanh chứng kiến vụ hoả hoạn, đồng thời là những người sử dụng mạng xã hội chỉ cần mất vài giây livestream trên trang Facebook cá nhân của mình, “công chúng” của họ đã có thể theo dõi vụ cháy và nhanh chóng chia sẻ trên các hội nhóm.
Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, mặc dù lợi thế của mạng xã hội là tốc độ lan truyền nhanh chóng, liên tục theo từng giây và phạm vi tương tác đa chiều, nhưng xét ở góc độ nào đó, những thông tin này mới chỉ dừng ở cấp độ đơn lẻ, chưa kể các sự việc chỉ được nhìn nhận dưới lăng kính của cá nhân, chưa được kiểm chứng… Mặt khác, để tăng like, view, một số tài khoản mạng xã hội còn sáng tạo, cung cấp những thông tin giật gân, sai sự thật, bịa đặt, tác động tiêu cực đến việc định hướng dư luận.
“Giữa vô vàn thông tin tin giả, tin sai sự thật, tin xuyên tạc chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí chính thống lại có lợi thế giúp người đọc xác thực thông tin chính xác, cung cấp các thông tin toàn cảnh và có sự bình luận sắc sảo về sự việc… Vì vậy, trong thời đại công nghệ số, dù mạng xã hội cung cấp thông tin nhanh chóng nhưng báo chí chính thống mới là cơ quan đi đầu và có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác đến độc giả… ”, ông Trần Trọng Dũng cho biết thêm.
Cần làm chủ công nghệ
Theo ông Trần Trọng Dũng, để sàng lọc được thông tin trên mạng xã hội, người làm báo cần rèn kỹ năng khai thác sử dụng thành tựu khoa học công nghệ, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp, xác định tâm thế dấn thân. Ngoài việc cập nhật kiến thức làm báo của thời đại công nghệ số, các nhà báo phải thường xuyên tự bồi đắp kiến thức, viết về lĩnh vực gì thì phải nắm chắc lĩnh vực đó. Một nhà báo không chỉ thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh, còn phải biết quay video về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Bởi hiện nay, các phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay. Thay vào đó, nhà báo cần phải biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”…
Ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình ứng dụng công nghệ số, đã có lúc đội ngũ báo chí bị động, lúng túng và phản ứng vấn đề chậm hơn mạng xã hội. Vì vậy, để cạnh tranh với mạng xã hội trong thời đại công nghệ số, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đầu tư nguồn lực con người, quan tâm bồi dưỡng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo…
Ngoài ra, người làm báo cần có đạo đức nghề nghiệp và có lập trường chính trị vững vàng, không ngừng đổi mới, xác định rõ nhân tố quyết định sự phát triển báo chí là con người, là trí tuệ, tài năng, đạo đức và sự nỗ lực của người làm báo. Đồng thời, người làm báo phải góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, chính thống, không chạy theo thông tin giật gân, câu khách…
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, báo chí Cách mạng Việt Nam có vai trò và sứ mệnh đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng. Ở đó, báo chí phải luôn thể hiện tính tiên phong, xung kích lên tuyến đầu, sẵn sàng đối diện hiểm nguy, gian khó và thực sự đã trở thành một lực lượng đồng hành tin cậy của Đảng.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, báo chí còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế về mặt ứng dụng công nghệ trong tác nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả.
“Hiện nay, người làm báo phải là người làm chủ công nghệ. Để làm chủ công nghệ, người làm báo cần trao dồi kỹ năng làm báo trong thời đại số, cần đầu tư, học hỏi ứng dụng công nghệ số hiệu quả. Đối với cơ quan báo chí, cần thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính thống, là dòng thông tin chủ lưu để cung cấp những thông tin đúng, trúng đến độc giả…”, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.