Lâm Đồng: Cơ sở vật chất thiếu thốn, ảnh hưởng đến việc dạy và học

Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng đều quan tâm, đầu tư khoản ngân sách không nhỏ cho giáo dục. Tuy nhiên, một số trường học trên địa bàn Lâm Đồng vẫn còn tình trạng “thiếu trăm bề” và trường Mẫu giáo Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) là một ví dụ.

Phụ huynh phải chở thêm nước sạch đến trường

Nằm sát Quốc lộ 20, gần ngay thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) nhưng Phân hiệu Đồng Lạc (trường Mẫu giáo Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa) lại lâm vào tình trạng thiếu nước sạch suốt nhiều tháng nay. Nguyên nhân là từ đầu năm học này, hộ dân trước đây cho lớp học dùng chung nguồn nước giếng khoan đã không đồng ý cho nhà trường tiếp tục sử dụng nữa.

Để khắc phục tình trạng này, các cô giáo phụ trách lớp phải phân công lịch cho phụ huynh hàng ngày đưa con đi học chở thêm nước sạch đến lớp (loại can 30 lít) để các cô sử dụng trong sinh hoạt cho cả ngày.

Do thiếu nước, mọi sinh hoạt của cô giáo và học sinh phải chắt chiu từng xô nước. Kể cả trong việc vệ sinh cá nhân của từng em hay rửa chén bát, lau nhà, giặt khăn… Cô Đới Thị Bích Nguyệt, giáo viên phụ trách Phân hiệu Đồng Lạc (trường Mẫu giáo Tân Nghĩa) chia sẻ: Không còn được dùng nước giếng khoan, chúng tôi phải yêu cầu các phụ huynh chở nước đến lớp. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ được khoảng 150 lít nước sạch, trong khi nhu cầu sử dụng thoải mái thì cần đến 500 lít nên các cô phải tiết kiệm tối đa mới đủ dùng.

Ông Lê Thành Dược (thôn Đồng Lạc, xã Tân Nghĩa) cho rằng, việc chở thêm can nước nữa rất bất tiện cho phụ huynh, đặc biệt là gây nguy hiểm khi chạy xe nếu vừa chở nước, vừa chở con em đến trường. “Dù phụ huynh đã tích cực chở nước nhưng nước để các cháu dùng vẫn có thể thiếu nên chúng tôi cũng lo việc sinh hoạt của các cháu không đảm bảo vệ sinh” - ông Dược băn khoăn.

Tương tự, tại Phân hiệu thôn Gia Bắc 1 (trường Mẫu giáo Tân Nghĩa) cũng không có giếng nước sạch để sử dụng. Từ năm ngoái, giếng khoan của Phân hiệu này đã hư hỏng, hết nước. Các cô giáo phải tận dụng nước mưa hoặc xách xô đi mua nước của người dân xung quanh, rất bất tiện cho cả cô và trò.

Mong không còn học nhờ

Tại Phân hiệu Gia Bắc 1, từ nhiều năm nay, 35 cô trò phải học nhờ trong nhà văn hóa thôn do chưa được đầu tư, xây dựng phòng học. Bên trong nhà văn hóa hiện cũng đã xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt trên tường và nền nhà bị sụt lún nghiêm trọng.

“Trong quá trình học nhờ, việc trang trí lớp học cũng phải dành một chỗ để cho thôn sử dụng, nhiều khi thôn có việc phải họp hành thì các cô phải cho cháu ra ngoài học hoặc báo nhà trường cho học sinh nghỉ. Chúng tôi mong muốn sớm có nhà vệ sinh, có nguồn nước và phòng học riêng sạch sẽ để thuận tiện cho việc học của các cháu và giáo viên ở đây” - cô Trần Thị Tâm, giáo viên phụ trách Phân hiệu Gia Bắc 1, trường Mẫu giáo Tân Nghĩa bày tỏ nguyện vọng.

Trường Mẫu giáo Tân Nghĩa ngoài điểm trường chính còn có 4 phân hiệu gồm Gia Bắc 1, Gia Bắc 2, Đồng Lạc và K’Brạ … Không chỉ các phân hiệu thiếu thốn cơ sở vật chất, mà ngay điểm trường chính vẫn còn thiếu khu văn phòng và hiệu bộ. Thời gian qua, nhà trường phải tận dụng từ 2 lớp học cũ xây dựng từ hàng chục năm trước để sử dụng làm văn phòng và bếp ăn cho học sinh. Hiện nay, dãy nhà này cũng bị xuống cấp, dột nát.

Phó Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Tân Nghĩa Bùi Thị Phương Thảo thông tin, do cơ sở vật chất còn thiếu nhiều thứ nên quá trình dạy và học của học sinh và giáo viên trong trường cũng phải phụ thuộc, đặc biệt là tại Phân hiệu Gia Bắc 1 và Đồng Lạc. “Trước những khó khăn trên, các cô giáo phải khắc phục, ví dụ bố trí thời gian để đi mua nước, sắp xếp thời gian học phù hợp để nhường cho hoạt động của thôn” - cô Thảo chia sẻ.

Theo Ban giám hiệu trường Mẫu giáo Tân Nghĩa, toàn trường hiện có 265 học sinh, riêng tại 4 phân hiệu có 130 em. Theo lộ trình đến năm 2018, trường Mẫu giáo Tân Nghĩa sẽ đạt chuẩn quốc gia. Sau khi nhà trường báo cáo về thực trạng cơ sở vật chất, Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương đã khảo sát và có chủ trương đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, giếng nước cho trường trong năm học 2017 - 2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang trong quá trình làm thủ tục để triển khai thực hiện.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh Phan Đình Đồng khẳng định, trước tình trạng khó khăn trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ xem xét việc thi công trường Mẫu giáo Tân Nghĩa trước, sau đó mới hoàn thiện các thủ tục.

Nguyễn Dũng (TTXVN)
Quá tải lớp học tại Côn Đảo
Quá tải lớp học tại Côn Đảo

Hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn huyện đảo Côn Đảo đều trong tình trạng quá tải và không còn khả năng tiếp nhận học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN