Ngày 31/5, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) cho biết, chính quyền địa phương, các sở, ngành có liên quan và toàn bộ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đang khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập 8 chốt kiểm dịch tạm thời tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo lâm, Cát Tiên và Đạ Huoai để ngăn chặn nguồn có nguy cơ gây xâm nhiễm dịch bệnh từ các tỉnh giáp ranh tràn vào. Mỗi chốt bao gồm lực lượng cán bộ thú y, cảnh sát giao thông và chính quyền cơ sở tham gia. Ngoài ra, có 3 trạm thú y thường trực tại huyện Đơn Dương, thị trấn Madaguôi (huyện Đạ Huoai) và thị trấn Phước Cát (huyện Cát Tiên).
Theo văn bản số 3160 ngày 28/5/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh; tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ công chức và nhân dân địa phương nhận thức rõ tính chất nguy hại, tác hại và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội; nắm chắc tình hình diễn biến để kịp thời phát hiện ổ dịch, triển khai các biện pháp ứng phó, bao vây dập dịch, không để lây lan ra khu vực; ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện báo cáo về tình hình dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh khác với UBND tỉnh hàng tuần…
Từ tháng 3 đến nay, cơ quan chuyên môn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện lấy 18 mẫu bệnh phẩm trên gia súc gửi đi xét nghiệm, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay đã có 5/7 tỉnh giáp ranh với Lâm Đồng xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Phước, Đắc Nông, Đắc Lắc. Chỉ còn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chưa thấy có thông tin về tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.