Điều này đã gây nên bức xúc cũng như nghi vấn của người dân khi cho rằng các cấp chính quyền nơi đây thực hiện thiếu minh bạch Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, làm giảm ý nghĩa nhân văn của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo, người yếu thế bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Người dân mong các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Những ngày cuối tháng 8/2020, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội, bà Đặng Thị Bình ở xóm Giữa, thôn Xuân La khó kiếm việc làm thêm. Những đồng tiền dành dụm ít ỏi bấy lâu được bà dùng tằn tiện phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Thương cảm với hoàn cảnh của bà Bình, một số con cháu và hàng xóm tìm mọi cách để giúp đỡ.
Bà Bình đang phải ở nhờ nhà người anh trai ruột. Cuộc sống của bà khá chật vật bởi bà sống chủ yếu dựa vào số tiền làm thuê - dán giấy vàng mã, được khoảng 20 nghìn đồng/ngày. Có hoàn cảnh éo le như vậy nhưng bà Bình không có tên trong danh sách hộ nghèo hay hộ neo đơn của thôn Xuân La để được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. "Tôi đã ba lần nhờ người cháu viết đơn để được vào danh sách hộ nghèo, hộ neo đơn nhưng chưa được thôn, xã xét duyệt", bà Bình cho biết.
Cũng trong thôn Xuân La, ẩn trong con ngõ nhỏ với chiếc cổng gạch cũ bị xói lở nham nhở do lâu ngày không được sửa chữa là căn nhà của bà Lương Thị Vững (61 tuổi). Trong căn nhà khoảng 50 mét vuông, vừa được xây dựng bằng tiền vay mượn của anh em họ hàng, bà Vững cho biết, hôm nào có việc làm còn có tiền sinh hoạt, những ngày dịch bệnh diễn ra, không có người thuê là rất khó khăn. Bà cho biết đã đề nghị với cán bộ thôn để được xét duyệt hộ nghèo và cận nghèo để được hưởng hỗ trợ từ Nhà nước nhưng chưa quan tâm đến!”.
Theo phản ánh của người dân, ở thôn Xuân La, một vài trường hợp khác có nhà ở kiên cố cao tầng nhưng vẫn nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 như trường hợp của các ông Đặng Văn Nền, Chu Văn Nổ.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tướng, Bí thư Chi bộ thôn Xuân La (Phượng Dực) về các trường hợp trên, ông Tướng thừa nhận đã có thiếu sót trong việc rà soát, lập danh sách dẫn đến bỏ sót đối tượng trong diện được bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ cô đơn. “Đối với bà Đặng Thị Bình, chúng tôi có thiếu sót khi chưa đưa bà vào danh sách bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 được nhận hỗ trợ của Nhà nước. Thôn Xuân La có hơn 4 nghìn nhân khẩu nên chúng tôi đã không rà soát được hết các đối tượng người cô đơn. Trường hợp nhà bà Lương Thị Vững, khi chính quyền thôn đến gặp gỡ, bà đã từ chối vào danh sách hộ nghèo vì ngại với làng xóm".
Về việc quản lý danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã, ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Phượng Dực (Phú Xuyên) cho biết, danh sách các đối tượng được hưởng hỗ trợ của Nhà nước được các thôn lập và xã đã niêm yết công khai nhưng không thấy nhân dân đề nghị bổ sung thêm trường hợp nào. Do đó, xã không nắm được việc thiếu sót trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại thôn Xuân La.
Xã Phượng Dực hiện có 3 thôn với 9.990 nhân khẩu, trong đó có 25 hộ nghèo, 430 hộ cận nghèo. Trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, xã Phượng Dực đã tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền hơn 1,98 tỷ đồng theo danh sách đã được UBND huyện Phú Xuyên phê duyệt từ tháng 10/2019.
Danh sách hộ nghèo, cận nghèo hằng năm được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn và UBND xã để nhân dân nắm được và có ý kiến phản hồi. Trong suốt thời gian niêm yết công khai, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã cũng như UBND huyện không nhận được ý kiến nào của người dân về kết quả rà soát. Trong đợt chi trả hỗ trợ này, UBND xã Phượng Dực đã thông tin đầy đủ, kịp thời và công khai về danh sách, các mức hỗ trợ đến đối tượng thuộc diện được hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, nhận được thông tin phản ánh, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND xã Phượng Dực để rà soát, kiểm tra, đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với Đoàn Thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để làm rõ nội dung người dân phản ánh.
Theo ông Huy, báo cáo ban đầu của xã Phượng Dực co biết, gia đình ông Đặng Văn Nền có hai khẩu thuộc hộ cận nghèo năm 2020, ở nhà kiên cố do con trai xây mới nhưng không chung sổ hộ khẩu với gia đình con trai. Vợ chồng ông Nền đều đã hết tuổi lao động, bản thân ông bị bệnh hiểm nghèo và đã qua đời ngày 1/6/2020. Gia đình ông Chu Văn Nổ có 2 khẩu, có nhà kiên cố do con trai xây mới, gia đình con trai ông Nổ thường xuyên đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương. Hiện vợ chồng ông Nổ đã hết tuổi lao động và nằm trong danh sách hộ cận nghèo năm 2020 do xã Phượng Dực quản lý.
Ông Nguyễn Mạnh Huy cũng cho biết, UBND xã Phượng Dực căn cứ vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định số 4647/QĐ-UBND ngày 15/11/2019 do UBND huyện phê duyệt để hỗ trợ tiền dịch COVID-19 là đúng. Tuy nhiên, trước khi thực hiện hỗ trợ, UBND xã Phượng Dực chưa rà soát kỹ nên đã để xảy ra việc hỗ trợ chưa đúng; thiếu, sót đối tượng được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước, dẫn đến bất bình trong nhân dân. Nắm được tình hình đó, UBND huyện đã yêu cầu xã Phượng Dực rà soát, thu hồi số tiền hỗ trợ chưa đúng; lập danh sách bổ sung ngay các hộ đủ điều kiện nghèo và cận nghèo để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
“Hiện, huyện đã đề nghị Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra kỹ nội dung mà dư luận và các cơ quan báo chí đã nêu liên quan đến xã Phượng Dực nói riêng và 27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện nói chung về việc hỗ trợ chi trả trong đợt COVID-19. Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và không bao che với bất kỳ một trường hợp nào”, ông Nguyễn Mạnh Huy khẳng định.