Bên lề đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) cho rằng cần làm tốt hậu cần nghề cá với hoạt động đánh bắt xa bờ để nâng cao hiệu quả kinh tế:
Đối với hậu cần nghề cá, theo ông có chính sách như thế nào để nâng cao hiệu quả kinh tế?
Tại Bình Định có nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương nhưng giá thành bán không cao do khâu bảo quản, hậu cần còn yếu. Đối với cá ngừ đại dương muốn bảo quản tốt thì nhiệt độ phải âm 400. Muốn vậy thì tàu phải lớn, có đủ trang thiết bị thì giá giá cá ngừ đại dương bán được giá. Hiện nay ngư dân không có điều kiện bảo quản ở âm 40 độ C mà chỉ bảo quản bằng đá nên bảo quản ngắn ngày, nhiệt độ chỉ từ 0 đến âm 5 độ nên thường tàu phải vào bờ sớm và giá bán lại rẻ. Điều đó dẫn đến hiệu quả kinh tế không cáo, giá một kg cá ngừ giảm đi 7-8 lần. Do đó, tàu sắt sẽ có thể khắc phục nhược điểm này với việc có kho bảo quản và sản xuất đông lạnh ngay trên tàu.
Để đảm bảo an toàn cho ngư dân ra khơi, là đại biểu Quốc hội, ông sẽ kiến nghị với Nhà nước nhữngchính sách nào?
Trong thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ nhưng vẫn cần có chính sách cụ thể liên quan đến vay vốn đóng tàu, hậu cần nghề cá… để vừa phát triển kinh tế vừa tham gia bảo vệ tổ quốc.
Đối với vấn đề vay vốn đóng tàu công suất lớn, chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang vỏ sắt, ngư dân kiến nghị được vay vốn lãi suất thấp, thậm chí bằng không sẽ tạo điều kiện cho ngư dân cải hoán tàu, nâng công suất; đồng thời là việc tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện. Việc đóng tàu sắt ra khơi vừa đảm bảo an toàn, nâng độ bền để bám biển dài ngày và khi va chạm với tàu Trung Quốc cũng giảm tổn thất.
Thực tế ở Bình Định có ít tàu cá vỏ sắt và chủ yếu dùng tàu vỏ gỗ mang tính truyền thống.
Vừa qua, tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, theo ông có nên kiện tàu cá Trung Quốc ra tòa án quốc tế?
Vụ việc tàu các Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam cũng như việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã ảnh hưởng việc làm ăn, giao lưu buôn bán giữa nhân dân hai nước; trong đó có cả việc hợp tác giữa ngư dân hai nước.
Việc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần đây là hành vi đáng lên án. Để phân định đúng sai, chúng ta cần kiện lên tòa án, trọng tài quốc tế để phân xử và can thiệp. Vụ việc tàu cá Việt Nam bị đâm chìm cũng là vi phạm luật pháp quốc tế về công ước Luật biển 1982. Do đó, trọng tài quốc tế sẽ giúp phân xử công minh, theo chuẩn quốc tế, trong đó có cả việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Xin cám ơn ông!
Xuân Minh (thực hiện)