Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán, trong khi nhà nhà hối hả hoàn tất công việc cuối năm và lo sắm Tết thì gánh nặng cơm áo lại đè nặng hơn đối với những người lao động tự do. Bởi lẽ, “chợ người” thì ngày càng đông, mà việc thì ngày càng ít, hy vọng kiếm tiền ngày càng khó khăn.
Người nhiều, việc ít
Một người đàn ông dừng xe tại ngã ba đầu đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), ngay lập tức, gần chục lao động tự do đứng chờ việc ở đây xúm lại, vây quanh người đàn ông này. Tiếng hỏi han, mặc cả râm ran. Công việc là bốc dỡ 3 tấn thuốc mối với giá 200.000 đồng, sau một lúc mặc cả thì 2 lao động lên xe theo người đàn ông đi. Những người còn lại tiu nghỉu đi về chỗ ngồi. “Họ trả rẻ quá, bốc 3 tấn hàng mà trả có 200.000 đồng, mỗi người được 100.000 đồng. Mặc cả mãi mới lên được 250.000 đồng, anh em tự chia nhau việc mà đi thôi”, ông Lê Minh, một lao động tại đây cho biết.
Những lao động tự do mòn mỏi chờ việc tại đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy (Hà Nội). |
Dáng người nhỏ bé, mái tóc đã hoa râm, khuôn mặt khắc khổ, ông Minh kể, mọi người vẫn đùa nhau đây là “công ty việc làm HQV”, hơn chục lao động nam chờ việc ở đây hầu hết đều là người Nghệ An, công việc chủ yếu là bốc vác hàng, làm thợ xây dựng. “Lao động như chúng tôi kiếm việc như đi câu vậy, hôm thì nhiều việc, hôm thì ít. Hôm qua, tôi kiếm được 200.000 đồng, còn hôm nay đến trưa rồi mà vẫn chẳng có việc. Như thế vẫn còn may mắn chán, có những người cả tuần nay chưa kiếm được việc gì”, ông Minh chia sẻ.
Những ngày này, thời tiết ngày càng rét buốt, nhưng nhiều người lao động đứng đây chỉ mặc độc chiếc áo len mỏng, thỉnh thoảng lại rùng mình trước những cơn gió lạnh. Lúc chờ người đến thuê, họ tận dụng những thanh củi bên đường đốt lửa sưởi cho ấm. Bên kia đường, công trình đang xây dựng dở ngổn ngang, ồn ào và bụi bặm. Anh Nguyễn Thịnh (Nghệ An) cho biết: “Cuối năm, nhiều công trình đẩy nhanh tiến độ nên chủ thầu hoặc các gia đình thường thuê chúng tôi kéo cát, chở gạch, đào trát, lát nhà… Nếu có việc đều đều thì mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Nhưng giờ thì người ngày càng đông mà việc lại ít nên cũng chẳng được là bao”.
Tại các khu vực chợ lao động khác như tại khu Ngã Tư Sở, gầm cầu vượt cạnh Đại học Sư phạm, chợ Long Biên… đều rất đông người làm thuê đứng đợi việc. Sáng nào chị Lê Thị Bình (Quốc Oai, Hà Nội) cũng đạp xe từ 4 - 5 giờ sáng để đến điểm đợi việc tại ngã tư Xuân Thủy - Phạm Hùng. Chị Bình kể: “Việc đồng ruộng xong là mấy chị em lại rủ nhau ra Hà Nội kiếm việc. Đàn ông thì làm bốc vác, còn đám phụ nữ chúng tôi chủ yếu được thuê dọn dẹp, lau chùi nhà cửa hoặc phụ hồ, xách vữa… Những năm trước, Tết nhiều việc hơn, bây giờ các gia đình thường có giúp việc hoặc thuê giúp việc theo giờ dọn dẹp rồi, nên ít việc. Hai ngày nay tôi cứ đạp xe ra ngồi cả ngày rồi tối về, không có người thuê”.
Co ro ở khu cầu Long Biên chờ việc, chị Trần Ngọc (Phú Thọ) cho biết, cả hai vợ chồng đều làm nghề nông, nhà ít ruộng, tiền nong lúc nào cũng thiếu. Thường cứ từ tháng 10, tháng 11 cận Tết năm nào hai vợ chồng cũng xuống Hà Nội để kiếm việc, thêm tiền sắm Tết. “Ngày nào may mắn thì hai vợ chồng kiếm được đôi ba trăm nghìn nhưng trừ chi phí tiền ăn, tiền ở ngày nào cũng mất gần trăm nghìn, lại có ngày không kiếm được việc nên tiền dể dành cũng chẳng được là bao”, chị Ngọc cho biết.
Gánh nặng cơm áo
Đa phần những người lao động tự do về Hà Nội kiếm việc đều là những người dân ngoại tỉnh, đến từ các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ… và nhiều người nông dân ở các huyện ngoại thành, nhân lúc nông nhàn đi kiếm việc để có thêm thu nhập. Họ đều có hoàn cảnh khó khăn, là những nông dân nghèo.
Trong số những lao động tự do đứng tại Hoàng Quốc Việt, ông Minh (Nghệ An) là người lớn tuổi nhất, năm nay đã gần 50 tuổi. Hai vợ chồng ông làm nghề nông, hàng năm trông chờ vào mấy sào ruộng, mỗi năm hai vụ, tính ra cũng chỉ được vài trăm nghìn. Trong khi đó, ông Minh có tới 4 đứa con ăn học rất tốn kém, đứa lớn nhất mới học cấp 3. Mấy năm nay cứ cận Tết là ông lại ra Hà Nội kiếm việc. Ngày thì đứng ở ngã ba chờ việc, tối thì mấy người chung tiền thuê một phòng ở đường Bưởi, với giá 15.000 - 20.000 đồng/người/ tối, trải chiếu xuống đất nằm. Mỗi “vụ” đi như thế, ông cũng dành dụm được vài triệu mang về quê.
“Ở quê muốn kiếm được vài trăm nghìn cũng khó. Nhiều khi con xin tiền đóng tiền học mà cả nhà chỉ còn vài chục nghìn, hai vợ chồng nhìn nhau không biết làm thế nào. Tôi già rồi nên nhiều khi anh em cũng chia sẻ cho những việc nhẹ hơn, nhưng năm nay việc ít nên cũng chẳng kiếm được là bao”, ông Minh chia sẻ.
Sợ. Đó là từ mà nhiều người lao động tự do nhắc đến khi nói đến cái Tết đang cận kề. Người thì mong muốn kiếm được chút tiền trả món nợ vay cho con đi học đã đến hạn trả, kẻ lo lắng không kiếm được đôi triệu cho các con cái Tết không quá thiếu thốn. “Tết có nghĩa là phải sắm sửa, chi tiêu nhiều hơn, dù nhà nghèo cũng phải mua cho con chiếc áo, cái quần mới cho chúng phấn khởi. Nếu cứ như đà này, thì cũng chỉ mong có được vài cái bánh chưng, ít thịt và bánh kẹo đón Tết thôi”, chị Cúc (Bắc Ninh) lo lắng.
Trời đã xẩm tối, lạnh buốt và lất phất mưa, trong khi đường tấp nập người qua lại, hối hả trở về tổ ấm với mâm cơm ấm cúng sau một ngày lao động, thì vẫn còn không ít lao động tự do cố nán lại bên lề đường, khu chợ, chờ đợi vận may có thêm công việc. “Có vài bận đến tối vẫn có người đến thuê dỡ hàng gấp, mình cứ đứng đây biết đâu có ai thuê, kiếm thêm được vài chục cũng tốt lắm rồi”, chị Cúc vừa nói vừa ngong ngóng nhìn ra đường xem có ai tạt vào hỏi thuê hay không.
Bài và ảnh: Thu Trang