Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến hợp lý để hoàn chỉnh Bộ quy tắc và sẽ sớm ban hành
Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng một thành phố thanh lịch, văn minh.
Dự thảo có 3 chương, 14 điều, trong đó quy tắc ứng xử nơi công cộng tập trung tại chương II Quy tắc ứng xử chung và chương III Quy tắc ứng xử tại một số nơi công cộng cụ thể. Khác với bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Hà Nội, bộ quy tắc này định hướng văn hóa ứng xử của người dân nơi công cộng bằng những quy định “nên làm” và “không nên làm”.
Cụ thể, Chương II Quy tắc ứng xử chung quy định rõ những điều không nên làm như: Không nói tục, chửi bậy, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; không tự tiện sử dụng không gian, phương tiện, công trình công cộng vào mục đích cá nhân, không đúng quy định…
Chương III Quy tắc ứng xử ở một số nơi công cộng cụ thể đề cập đến vấn đề nên làm, không nên làm. Ví dụ, tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên làm là: Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống. Những vấn đề không nên làm là: Không thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan; không lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, xâm hại lợi ích của tập thể, cá nhân…
Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.