Cụ thể, ngày 7/4, tại đường Thái Phiên, phường Hồng Sơn, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) Cảnh sát môi trường Nghệ An phát hiện xe ô tô 37C- 00750 do Lê Văn Thanh, trú tại thành phố Vinh điều khiển đang vận chuyển 30 thùng, mỗi thùng chứa 24 chai nước dán nhãn dấm gạo Kim Quỳnh.
Tài xế Thanh khai nhận toàn bộ số dấm gạo này được mua tại cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Kim, trú ở phường Vinh Tân, thành phố Vinh. Tiếp đó, lực lượng Cảnh sát môi trường kiểm tra tại cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Kim đã phát hiện tiếp 146 thùng dấm gạo Kim Quỳnh, 3 can loại 20 lít có ghi nhãn axit axetic, hàng trăm chai nhựa các loại, 2.700 tem nhãn dấm gạo Kim Quỳnh chưa sử dụng.
Khai báo với cơ quan chức năng, bà Kim cho biết cơ sở của bà đã sản xuất dấm gạo bằng cách dùng axit pha với nước lã rồi đóng vào chai, cứ một lít axit pha với 100 lít nước sẽ cho 100 lít dấm gạo; mỗi ngày cơ sở sản xuất này đưa ra thị trường tiêu thụ 15 thùng dấm gạo.
Cũng trong ngày 7/4, tại xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), Công an Nghệ An phát hiện 6 tấn măng bốc mùi hôi thối đóng trong 75 bao tải. Qua kiểm tra, số măng này đã sử dụng chất không rõ nguồn gốc để làm vàng và tươi măng, không đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Liên quan đến việc làm vàng và tươi cho măng vào ngày 5/4, tại phường Đội Cung, thành phố Vinh, Công an Nghệ An cũng phát hiện 2 cơ sở chế biến măng tươi có sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để tẩy và làm vàng măng; cơ quan chức năng đã thu giữ 24,5 tấn măng và 115 kg bột hóa chất.
Ngày 6/4, tại phường Đội Cung, Công an Nghệ An phát hiện, bắt quả tang cơ sở sản xuất của ông Đới Văn Thịnh, sinh năm 1970, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất quẩy. Cơ quan công an đã thu giữ 14 kg chất tẩy trắng Trung Quốc, 21 lít chất lỏng và 21 kg quẩy.
Tại Nghệ An, tình trạng sử dụng hóa chất, các phụ gia không rõ nguồn gốc, độc hại trong chế biến thực phẩm đang trở nên báo động. Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, tại các chợ lớn trên địa bàn thành phố Vinh và trung tâm các huyện, kể cả các huyện miền núi, nhiều mặt hàng thực phẩm như măng tươi, nước mắm, bột ngọt, bánh kẹo... không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán.
Có những mặt hàng tuy được dán nhãn mác, nhưng nhãn mác bị nhòe, hư hỏng, không rõ; khi phóng viên hỏi người bán nhập những mặt hàng này từ cơ sở, đại lý nào, người bán hàng nói họ không biết cụ thể, chỉ biết có người đưa đến tận nơi nên đã nhập bán kiếm lời.
Tỉnh Nghệ An đang yêu cầu cac ngành chức năng, đơn vị như Công an, Quản lý thị trường, Ban quản lý các chợ, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; kiên quyết bắt giữ, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc, cảnh báo cho người tiêu dùng biết phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xấu trong chế biến thực phẩm có sử dụng các loại hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc.