Hệ thống loa phường tại phường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) |
Sự cưỡng bức về âm thanh, thông tin
Anh Viết Long, trú tại 185 Chùa Láng (Đống Đa): "Từ hơn 6 giờ sáng đã thấy loa phường “ông ổng” với đủ thứ thông tin về chính sách Nhà nước, của quận, phường. Tuy nhiên loa phường nghe rất ồn nên không rõ nội dung chi tiết là gì, chỉ nghe loáng thoáng. Do đó nên bỏ vì không có nhiều tác dụng với người nghe. Âm thành ồn ảnh hưởng đến môi trường sống".
Bác Nguyễn Văn Hường, tổ dân phố 4B Xuân La (Tây Hồ): "Từ thời chống Mỹ, khi thông tin về tránh bom của máy bay đã thấy có loa phát thanh, còn cụ thể thời gian nào không rõ. Nhưng thời điểm đó, phương tiện thông tin ít, loa phát thanh của xã phường rất bổ ích vì đó là nguồn thing tin gần như duy nhất. Nay phố phường đông đúc, đài ti vi phát 24/24, rồi mạng xã hội phổ biến thì loa phường nên bỏ vì phát ồn, người nghe không tiếp nhận được cụ thể thông tin. Thông tin muốn đến hộ dân nên ghi ra bảng tin hoặc phát đến tận nhà".
Facebook Quế Cay: "Loa phường nhà em ở Ngã Tư Sở ngày xưa 20 năm chỉ hát 1 bài “Trùng trùng quân đi như sóng”. Em về Xuân Đỉnh ở thì loa này cũng 20 năm hát “Làng lúa làng hoa”. Còn có trưởng thôn đọc thơ chúc xuân trực tiếp luôn".
Facebook Thunder Typhoon: "Thời nào rồi mà còn cổ vũ loa phường. Cứ nghĩ một ngày nào đó bác đang ngủ nướng, tự dưng có cái loa ông ổng nhức cả đầu; hoặc buổi sáng đẹp trời đang bình yên chim hót lại oang oang bài ca Hà Nội, nghe như đang chửi nhau.
Thông tin trên loa phường nhìn chung là tốt (lịch tiêm chủng trẻ em, phòng ngừa chó dại, thu tiền vệ sinh, các bài hát hay về Hà Nội), nhưng không vì thế mà phải chịu đựng loa phường tra tấn bởi sự cưỡng bức nghe với âm lượng ở mức ô nhiễm và không hợp với nhu cầu của từng cá nhân".
Facebook Nguyễn Lê Tâm: "Loa phường chỉ có giá trị khi thông báo các vấn đề khẩn cấp, báo động chiến tranh, khủng bố, thông báo nghĩa vụ quân sự, trật tự an ninh, tiêm chủng trẻ em, tiêm chó mèo, chính sách sát sườn…Tuy nhiên, loa phương hiện nay say sưa bàn luận nhiều vấn đề quốc tế và các vấn đề không ai quan tâm. Đặc biệt có hại khi gây tiếng ồn cưỡng bức. Không ít loa đặt sát cửa sổ nhà dân với âm thanh quá sức chịu đựng của người trẻ chứ đừng nói người già. Cửa sổ phòng tôi cũng chỉ cách cái loa khoảng 7 m. Tôi đã khiếu kiện nhiều lần mà tổ trưởng không cho di dời"
Facebook Do Nhung: "Bây giờ ở thành phố nên tính tới dùng app hoặc cái gì ứng dụng công nghệ di động thì hay hơn. Di động thì ai cũng có, có gì gửi “ting” cái đến người dùng. Chứ loa phường nếu chỉ để ở điểm công cộng thì độ phủ, cả về không gian, thời gian, sẽ hẹp và gây ồn cưỡng bức cho dân và văn phòng làm việc. Làm trên công nghệ thì có hệ thống và đồng bộ hơn so với để phụ thuộc vào con người từ giọng nói, sở thích, mục đích, tâm trạng chủ quan cá nhân. Người nông dân thì sẽ cố gắng cải thiện cái cày gỗ, nhưng để tiến bộ và phát triển thì bỏ cày tay và chuyển sang cày máy là sự lựa chọn tốt hơn.
Mỗi thứ có giá trị ở một thời điểm và bị phủ định vĩnh viễn hoặc nhất thời ở thời điểm khác. Nếu nó là giá trị vật chất thì sự lựa chọn dựa trên lợi ích lý tính, còn nếu có giá trị tinh thần thì nó có giá trị nhất khi giữ được cái nó vốn có, còn không thì nên tự xây mới giá trị cho thời kỳ mới. Nhiều khi duy trì giá trị tinh thần chỉ để thỏa mãn nhu cầu của một vài người, giới hạn ngắn ngủi trong cuộc đời họ, lại ngăn đi sự phát triển và đưa đến các giá trị mới".
Facebook Trương Khắc Trà: "Loa phường đã hết vai trò lịch sử rồi, nên bỏ là đúng. Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, báo chí đa phương tiện...thì chẳng ai cần nghe loa phường nữa. Trong khi nhà nào ở ngay loa phường thì 5 giờ15 sáng là đã phải đinh tai nhức óc nghe một nội dung ngày này qua tháng nọ, mà chẳng nhớ được gì".
Lấy gì thay thế
Facebook Tam Nguyen My: "Nhà em cũng cách loa phường có mấy mét mà sao em không thấy phiền toái như mọi người liệt kê nhỉ? Em thấy loa phường em khá là hay, nội dung tốt, phát thanh viên giọng rất hay, nhạc hiệu hay, khi nào cần tuyên truyền đi tiêm vacxin, cho trẻ uống vitamin A, cảnh báo bà con đề phòng cháy nổ dịp Tết... rất thiết thực. Sáng 30 phút, chiều 30 phút, đều đặn".
Facebook Nga Pham: "Tôi ủng hộ giữ lại loa phường vì yếu tố kết nối động đồng, đảm bảo an toàn cho cộng đồng ở thời điểm khẩn cấp, cần lưu ý ngay và luôn. Có điều, cần nghiên cứu kỹ tâm lý, thói quen của cộng đồng đó để tạo ra cách dùng Loa phường đúng chỗ, đúng lúc, đúng mục đích; để mỗi khi có tiếng loa phường cất lên, ai cũng cảm thấy nó cần thiết. Vì cuộc sống có những tình huống tức thời, cần 1 sự huy động kịp thời bằng 1 giọng phát ra để cùng lúc hàng ngàn người có thể nghe thấy và hành động luôn.
Và chắc chắn việc dùng cái loa phường phải tính đến yếu tố kỹ thuật về âm lượng, tần suất, thời lượng phát, giờ phát khi nào, cái gì được phát lặp lại, cái gì chỉ phát 1 lần. Loại âm thanh gì phát ra sẽ được bà con đón nhận, không cảm thấy bị làm phiền mà cảm thấy họ đang được quan tâm, được bảo vệ... Giọng ai được phép đọc/nói, cách đọc/nói ra thế nào để người nghe cảm thấy được tôn trọng, không bị làm phiền.... Cái loa phường bé, nhưng tính ảnh hưởng của nó cụ thể và tác động không nhỏ, nên không thể xem nó là chuyện nhỏ và dùng tuỳ tiện được.... Nếu loa phường được nghiên cứu kỹ và được sử dụng trên tinh thần tôn trọng cộng đồng chắc chắn sẽ được cộng đồng đón nhận".
Ông Hà Văn Lũng, 70 tuổi, cán bộ Mặt trận Tổ quốc phường Đội Cấn: "Nên để lại loa phường, tuy nhiên, nội dung loa phường chỉ nên thông tin ngắn gọn về chính sách của chính quyền sở tại. Đơn cử như vấn đề giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường… Nhiều khi nhắc nhở người dân thì nhiều người bảo “tôi có biết đâu” và vẫn xả rác ra đường. Trường hợp bỏ loa phường thì việc phổ biến một số chính sách sẽ cần in thành nhiều tờ rơi để phát đến tận nhà, sẽ khá phức tạp, mất công mà chưa chắc đã hiệu quả".
Bà Tuyết Lan, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du (Đống Đa): “Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về loa phường, người cho rằng nên bỏ, người lại bảo nên giữ vì vẫn còn tác dụng. Năm vừa qua, phường Nguyễn Du được đầu tư hệ thống loa phát thanh không dây để tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, để đánh giá tác dụng, thời gian tới, phường sẽ tổ chức tham dò qua các cuộc họp xem tính hiệu quả đến đâu. Trường hợp bỏ loa phường thì thông tin chính sách của chính quyền cơ sở sẽ phổ biến rộng hơn qua các cuộc hội nghị, hội họp tại dân cư”.