Nước lũ tràn xối xả trên các sông. Ảnh: Hồng Điệp |
Mưa suốt 2 ngày qua khiến tình trạng nước sông, suối trên huyện Kon Plông (Kon Tum) tăng nhanh. Đến trưa 2/11, cầu tràn trên con suối Đăk Chờ đã ngập hoàn toàn khiến giao thông trên toàn bộ tuyến tỉnh lộ 676 đi từ huyện Kon Plông về 2 xã Đăk Đrinh và Đăk Nên bị chia cắt. Đến 12 giờ ngày 2/11, cả 2 xã vùng sâu trên vẫn bị cô lập hoàn toàn.
Xã Đăk Ring đang bị mất điện, đồng thời tại trục đường tỉnh lộ 676 đoạn dốc Măng Lây đi Đăk Ring xảy ra sạt lở lớn, xe cộ không lưu thông qua được. Tại xã Đăk Nên, đoạn đường Đăk Tiêu, Đăk Bút xảy ra 6 điểm sạt lở nghiêm trọng, gây cản trở giao thông. Đoạn đường từ xã Đăk Ring đến xã Đăk Nên xảy ra 6 điểm sạt lở, gây khó khăn cho người dân lưu thông đi lại. Tại xã Đăk Tăng, trên tỉnh lộ 676, đoạn km 26-27 có sạt lở nhỏ; xã Ngọc Tem đoạn đường Đông Trường Sơn bị sạt lở.
Có mặt ở điểm nóng tại cầu tràn Đăk Chờ, thuộc xã Đăk Ring, nơi tỉnh lộ 676 đã bị chia cắt toàn bộ 2 xã Đăk Ring và Đăk Nên với phần còn lại của huyện, càng về trưa nước đổ về cầu càng lớn. Con nước từ dòng suối Đăk Chờ như muốn cuốn trôi tất cả những gì cản dòng nước, khiến người và phương tiện không dám qua lại. Anh Phạm Thanh Toàn, một người đi đường vào xã Đăk Nên cho biết: Tình hình mưa lũ hiện tại rất phức tạp. Tôi đã đợi 3 tiếng đồng hồ nhưng chưa qua cầu được. Mặc dù có thời gian qua lại suốt 6 năm trên vùng này nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến nước dâng cao như thế. Nước như thế này có thể cuốn trôi toàn bộ xe cộ qua đây, rất nguy hiểm. Phương tiện và người dân hầu như dừng lại hết. Lũ ở thượng nguồn có thể còn về nữa, kèm theo lũ về là cây cối trên thượng nguồn và đá, đất. Cùng tâm trạng chờ đợi như anh Toàn, anh A Đường - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Đrinh, huyện Kon Plông cho biết thêm: “Mưa lũ đã chia cắt giao thông hoàn toàn, mọi người không đi qua được. Dọc đường tỉnh lộ 676 có rất nhiều điểm sạt lở”.
Nước lũ hoàn toàn cô lập hai xã Đăk Ring và Đăk Nên. |
Trước thực trạng nêu trên, huyện Kon Plông đã có những giải pháp kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Theo đó, huyện đã rào và ngăn cản đường 2 bên không cho dân và xe cộ qua lại các điểm sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân cũng như gia súc. Đoạn đường từ xã Đăk Ring qua Đăk Nên, chính quyền đã huy động người dân để xử lý những đoạn đường sạt lở. Riêng đường tránh số 1 tại xã Đăk Nên, chính quyền phối hợp với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xử lý những đoạn sạt lở (tại tỉnh lộ 676 đoạn thôn Măng Lây xã Đăk Nên đi xã Đăk Ring).
Sáng 2/11, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cùng nhà tư vấn đã đến hiện trường để có giải pháp và xử lý và khắc phục. Đoạn đường Trường Sơn đông, đoạn từ xã Hiếu đi xã Ngọc Tem (sạt lở 3 điểm), các đơn vị đã huy động phương tiện xe xử lý 500 khối đất, đá bị sạt lở nhằm thông đường tại điểm 1. Dự kiến đến 18h ngày 2/11 sẽ thông tuyến Trường Sơn đông.
Theo ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông: Trước mắt, huyện sẽ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đối với những địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ bị chia cắt khi có mưa lũ phải có phương án dự trữ một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc cấp cứu, thuốc phòng dịch… và phải bố trí lực lượng hỗ trợ để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương tổ chức ngay việc cắm biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, thực hiện việc thông báo, cảnh báo kịp thời đến từng hộ dân biết để chủ động phòng, tránh. Đối với những hộ dân sống ở các địa bàn có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, kiên quyết chỉ đạo và tổ chức di dời ngay đến nơi an toàn theo phương án di dân xen ghép tại địa bàn trước khi thiên tai xảy ra.
Bên cạnh đó, nghiêm cấm người dân đánh bắt thủy sản, vớt gỗ, củi trong thời gian mưa lớn, bão, lũ để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, diễn biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ở địa phương trong mùa mưa bão.