Ông Hoàng Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa cho biết: Người dân địa phương chưa kịp khắc phục xong hậu quả đợt mưa lũ giữa tháng 10 nay lại chịu cảnh lũ kép, cuộc sống rất vất vả. Đến sáng 2/11, toàn xã Phù Hóa còn khoảng 120 hộ bị ngập; các thôn Trường Xuân, Long Châu, Phú Cường, Hậu Thành và tuyến đường duy nhất nối xã Phù Hóa - Quốc lộ 12 vẫn bị ngập, gây chia cắt.
Tại những nơi nước rút, chính quyền địa phương ngay lập tức chỉ đạo, thông báo các thôn xóm, huy động lực lượng các tổ chức đoàn thể cùng với lực lượng thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện tham gia dọn dẹp nhà cửa, giúp trường học, các cơ quan, trạm y tế...vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe cho người bị bệnh, bị thương trong và sau mưa lũ; đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, lập danh sách thiệt hại sau mưa lũ.
Các gia đình tại phía Nam Thị xã Ba Đồn vận chuyển những vật dụng cần thiết lên cao để chống lũ. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN |
Vào đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 14 -16/10, ngôi nhà của gia đình chị Hoàng Thị Lài, xã Phù Hóa đã bị sập. Gia đình chị Lài chưa kịp ổn định cuộc sống trong căn nhà tạm vừa được hỗ trợ dựng lại thì những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 lại phải chịu cảnh ngập lụt. Chị Lài nghẹn ngào: Mưa lũ cuốn trôi mọi thứ, giờ trong nhà chị cũng chẳng còn tài sản gì giá trị. Nhưng còn người là còn của, chỉ mong những ngày tới trời đừng mưa nữa,nước rút để người dân khắc phục hậu quả mưa lũ sớm ổn định cuộc sống.
Tại huyện miền núi Tuyên Hóa, mưa lũ cũng gây hậu quả nặng nề. Tính đến sáng 2/11, toàn huyện vẫn còn 6.322 nhà bị ngập, trong đó có trên 170 nhà ngập trên 3m, 1 nhà bị sập, có 316 hộ ở các xã Cao Quảng, Châu Hóa và xã Kim Hóa đang bị mưa lũ cô lập, 6 trạm xá bị ngập ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, đặc biệt trạm y tế xã Ngư Hóa bị sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ sập; 35 điểm trường bị ảnh hưởng; trụ sở xã Văn Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Thạch Hóa cũng bị ngập lụt; nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, kênh mương thủy lợi bị ngập, xói lở và có nhiều đoạn bị cuốn trôi.
Ông Hồ Vũ Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: Hiện tại trên địa bàn mưa đã giảm, nước nhiều nơi đang rút nhưng chậm, vẫn còn nhiều nhà bị ngập, hư hỏng nặng; các tuyến đường liên thôn, xã bị ngập và ách tắc. Với phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”, lãnh đạo và chính quyền địa phương đã chỉ đạo, huy động tối đa lực lượng phối hợp với nhân dân kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh, tiêu độc khử trùng ngay khi nước rút.
Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị khẩn trương dọn dẹp, sữa chữa nhà cửa, quét dọn bùn đất, thu gom, xử lý rác thải ở các tuyến đường, khu vực chợ, trường học, trạm y tế, các khu vực bị ngập úng. Các cơ sở y tế như bệnh viện, Trung tâm y tế dự phòng huyện, trạm xá phối hợp, chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc men, chủ động phòng chống các bệnh, dịch truyền nhiễm, đảm bảo công tác khám chữa bệnh; kịp thời xử lý nguồn nước, cung cấp nước sạch cho người dân trong và sau lũ; ngoài ra, tổ chức thăm hỏi, chia sẻ với người dân bị thiệt hại; kiểm tra, rà soát lập danh sách thiệt hại để có mức hỗ trợ kịp thời và phù hợp.
Nhiều tuyến đường giao thông tại huyện Lệ Thủy ngập chìm trong nước. Ảnh: Võ Dung/TTXVN |
Tại các vùng lũ như thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, nước bắt đầu rút, người dân đang khẩn trương dọn dẹp nhà cửa. UBND huyện chỉ đạo các lực lượng như công an, quân đội, đoàn viên thanh niên…về các xã Tiến Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa để cùng nhân dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó đặc biệt ưu tiên việc làm vệ sinh tại các trường học để học sinh sớm đến trường trở lại.
Trong sáng 2/11, nhiều hộ đã thức dậy từ lúc 1-2 giờ sáng để tận dụng lúc nước đang rút tiến hành thu dọn, đẩy lớp bùn non ra khỏi nhà. C ác chiến sĩ công an huyện Tuyên Hóa cũng đã có mặt tại địa bàn xã Văn Hóa để cùng các thầy cô giáo trường trung học cơ sở và tiểu học Văn Hóa dọn lớp bùn non còn đọng lại sau cơn lũ vừa qua, lau chùi nhiều đồ dùng dạy học bị ngâm trong bùn nước những ngày qua.
Thượng úy Trần Văn Tư, Phó đội trưởng đội Tổng hợp - Công an huyện Tuyên Hóa cho biết: Đơn vị đã cử hơn 20 đồng chí về chung tay với người dân và giáo viên nhà trường khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong sáng 2/11, nhiều hộ đã thức dậy từ lúc 1-2 giờ sáng để tận dụng lúc nước đang rút tiến hành thu dọn, đẩy lớp bùn non ra khỏi nhà.
Còn tại các xã vùng Nam của thị xã Ba Đồn, đến sáng 2/11, nước đã rút. Con đê bị vỡ ở xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn cũng bắt đầu lộ lên hàng trăm khối đất đá. Ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết, người dân bắt đầu dọn dẹp lớp bùn non. Song, nhiều hộ người dân đang rất thiếu thức ăn và nước sạch.
Đến 11 giờ 30 phút ngày 2/11, ở Quảng Bình mưa đã giảm, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được thực hiện khẩn trương. Đồng bào cả nước vẫn đang hướng về mảnh đất miền Trung ruột thịt, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Ngay khi nước lũ rút, các cơ quan, tổ chức, đoàn thiện nguyện... đã tiếp tục thực hiện các hoạt động cứu trợ, sẻ chia khó khăn với người dân Quảng Bình.