Xin ông cho biết về tình hình lũ và triều cường diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua?
Năm nay, lũ về sớm hơn 10 - 15 ngày. Mới đây, lũ và triều cường đã làm mực nước lên trên báo động 2 từ 30 - 40cm. Về mặt tổng lượng và mực nước nhỏ hơn so với năm 2011. Các tỉnh đầu nguồn rất chủ động, kể cả 2 đập Trà sư, Tha La (An Giang) đã mở trước 2 ngày theo thỏa thuận với nước bạn Campuchia.
Năm nay, lũ không gây thiệt hại về người. Có một vài bờ bao ở một số ô nhỏ bị vỡ gây thiệt hại khoảng 300 - 500 ha lúa ở Đồng Tháp, An Giang. Vừa qua, do lũ và triều cường ở Vĩnh Long cũng có ảnh hưởng vài chục héc ta cây ăn trái. Có hai cồn là Cồn Khương và Cồn Sơn (Cần Thơ), do bờ bao thấp có hiện tượng bị tràn và đã xử lý được kịp thời.
Năm nay, các địa phương đã có sự chủ động ứng phó với lũ và triều cường rất tốt. Các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến hàng ngày trên các phương tiện đại chúng và các trạm quan trắc. Tổng cục Thủy lợi thường xuyên có công điện chỉ đạo để kiểm tra lũ và các bờ bao, kịp thời xử lý nếu có các sự cố.
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã có những dự báo rất sát tình hình, thông tin kịp thời cho các phương tiện thông tin đại chúng để chính quyền và người dân cùng nắm được diễn biến tình hình.
Dự báo thời gian tới, tình hình lũ và triều cường sẽ có diễn biến như thế nào, thưa ông?
Lũ thượng nguồn đang tiếp tục giảm. Mực nước tại Kratie (Campuchia) ngày 17/10 là 11,93m, thấp hơn trung bình nhiều năm 2,72m; lưu lượng là 10.552 m3/s, chỉ bằng 21,5% lưu lượng đỉnh lũ.
Tại vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) tiếp tục giảm cho đến ngày 24/10 sau đó ít biến đổi hoặc tăng nhẹ trong những ngày triều cường với cường suất từ 1-2 cm/ngày. Đến ngày 27/10 (đỉnh triều) mực nước tại Tân Châu vào khoảng 2,6m, Châu Đốc 2,48m sau đó tiếp tục giảm.
Tại vùng giữa và vùng hạ Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước chủ yếu biến đổi theo triều. Dự báo, tại Cần Thơ, Mỹ Thuận, mực nước có xu hướng nhích lên. Dự báo ngày 26-27/10 triều cường sẽ đạt đỉnh ở Cần Thơ ở mức 1,95-1,97m, trên báo động 3 khoảng 5-7 cm; tại Mỹ Thuận vào khoảng 1,94 -1,97m, vượt báo động 3 từ 0,14-0,17 m. Mực nước tại các trạm khác ở trong khoảng báo động 3.
Về triều cường, từ nay đến Tết, các địa phương như Cần Thơ, Tp. Hồ Chí triều cường vẫn còn tiếp diễn ở mức cao và xoay quanh mức báo động 3. Đối với những vùng được đê bao triệt để, nông dân vẫn sản xuất bình thường. Vùng Đồng Tháp Mười vào mùa vụ này nông dân không sản xuất. Khoảng 2-3 tháng nữa nước rút, nông dân sẽ bước vào vụ sản xuất mới.
Tuy dự báo lũ sẽ giảm nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, các địa phương và người dân không được chủ quan. Các địa phương cần chú ý kiểm tra, gia cố đê bao, bờ bao để bảo vệ sản xuất.
Ông đánh giá thế nào về sự chủ động của chính quyền địa phương và người dân trước tình hình lũ và triều cường?
Các địa phương hàng năm đã chủ động xây dựng sớm kế hoạch ứng phó với mùa lũ, bao gồm: dự báo tình hình, đánh giá chất lượng các công trình thoát lũ, các vùng sản xuất, chỉ đạo sản xuất né tránh lũ, phân công trách nhiệm cán bộ kiểm tra địa bàn... Các lực lượng chức năng luôn sẵn sàng để ứng phó nếu có sự cố xảy ra. Người dân cũng ngày càng có ý thức phòng tránh lũ tốt hơn. So với trước đây, ý thức, trách nhiệm phòng chống lũ của chính quyền địa phương và người dân đã được nâng cao một bước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng đưa ra những dự báo, cảnh báo sớm để Bộ có những chỉ đạo kịp thời tới các địa phương và người dân có các phương án chủ động ứng phó.
Về lâu dài cần có những giải pháp gì để chủ động ứng phó với tình hình trên?
Tổng cục Thủy lợi hiện đang triển khai quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có quy hoạch lũ để phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, các vùng thượng như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang tiếp tục rà soát, xem xét và điều chỉnh các tuyến lũ biên giới, các đường chắn lũ, cản lũ...
Vùng ngập sâu phải dành không gian cho nước, sản xuất né tránh mùa vụ, chuyển đổi sản xuất để thích ứng; kiểm tra các kênh thoát lũ, tuyến tràn lũ...
Vùng giữa ảnh hưởng nhất là cần Thơ, tiếp đến là Vĩnh Long, Hậu Giang. Những khu vực này cần kiểm soát lũ triệt để bằng cách gia cố các bờ bao, bảo vệ sản xuất lúa, trái cây, nuôi trồng thủy sản; đồng thời kiểm tra các kênh trục thoát lũ; rà soát chống ngập úng cho đô thị; nghiên cứu xây dựng băng tràn thoát lũ... Hay việc cần thêm những luận cứ khoa học về việc sụt lún đất do triều cường, tác động của tổ hợp lũ - triều cường làm gia tăng ngập úng.
Xin cảm ơn ông!